CỘNG ĐOÀN ĐỨC MẸ FATIMA chân thành kính chúc Qúy Độc Giả Một Năm Mới An Khang - Thịnh Vượng - Vạn Sự Như Ý

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2020

KINH CẦU CÙNG THÁNH RÔCÔ

Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh
WGPSG -- Thánh Rôcô sinh khoảng năm 1295 tại Montpelier nước Pháp, trong một gia đình giàu có và quyền quý. Ở tuổi hai mươi, Rôcô đã mồ côi cha mẹ; thánh nhân bố thí hết tài sản, rồi đi hành hương Rôma. Khi đó dịch bệnh đang hoành hành tại nước Ý, Thánh Rôcô đã dành cả cuộc đời của mình để phục vụ những nạn nhân của dịch bệnh; rất nhiều người đã xin thánh nhân cầu nguyện để được khỏi bệnh.
Chính Thánh Rôcô cũng bị bệnh dịch tấn công trong sa mạc. Trong tình huống đáng sợ đó, mặc dù bị cách ly khỏi mọi người, thánh nhân vẫn được nuôi sống một cách kỳ diệu nhờ một con chó mang đến cho thánh nhân một ổ bánh mì mỗi ngày.
Thánh Rôcô đã đi xa nhiều năm nhưng cuối cùng ngài cũng trở lại Montpellier, và ở đây ngài bị chính chú của mình, khi ấy là thống đốc, ra lệnh bắt giam suốt 5 năm vì nghi ngờ Rôcô là gián điệp. Chú của Rôcô đã không nhận ra Rôcô là cháu mình, và Rôcô cũng không chứng minh được mối quan hệ chú cháu. Ngài đã chết trong tù vào năm 1327 và sau đó mới được xác nhận là con trai của vị thống đốc trước đây, nhờ một vết bớt hình chữ thập trên ngực.
Sau khi ngài mất, thánh nhân đã đặc biệt được sùng kính vì nhiều phép lạ chữa lành đã xảy ra khi các bệnh nhân chạy đến cầu khẩn với ngài. Ngài trở thành bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh, được kính ngày 16-8 hằng năm.
Dưới đây là kinh cầu cùng Thánh Rôcô:
Lạy Thánh Rôcô vinh hiển,
Chúng con nài xin Người cứu chúng con khỏi đòn roi trách phạt của Thiên Chúa.
Nhờ lời chuyển cầu của Người, xin che chở phần xác chúng con khỏi những bệnh tật truyền nhiễm, và giữ gìn phần hồn chúng con khỏi lây nhiễm tội lỗi.
Xin giúp chúng con có được môi trường lành mạnh, nhưng nhất là có được tâm hồn thanh sạch.
Xin dạy chúng con biết dùng sức khỏe cho nên, biết bền lòng chịu đau khổ, cùng biết noi gương Người mà sống sám hối và thực thi bác ái, để một ngày kia chúng con được hưởng hạnh phúc mà Ngài đã được thưởng ban vì các nhân đức của Người. Amen.
Ghi chú (1)
Thánh Rôcô thường được vẽ hoặc tạc tượng với hình một con chó (đã mang bánh cho ngài) ở bên cạnh; và ngài vén chiếc áo hành hương của ngài lên, cho thấy dấu tích bệnh dịch hạch ở trên đùi của ngài.
Ghi chú (2)
Bài viết trên đây chỉ trình bày cách khách quan rằng có một kinh cầu xin cùng ông thánh Rô-cô như thế, được phổ biến rất rộng rãi trong Giáo Hội.
Ai cảm thấy thích hợp và hiểu đúng ý nghĩa của lời kinh thì có thể đọc. Sở dĩ phải nói như thế vì có một lời kinh cần phải hiểu cho đúng ý: “Chúng con nài xin Người cứu chúng con khỏi đòn roi trách phạt của Thiên Chúa.”
Có người khẳng định rằng câu kinh trên đây sai tín lý vì Thiên Chúa nhân từ vô cùng, không bao giờ “đòn roi trách phạt” con người. Và giả sử như Chúa đã “đòn roi trách phạt” thì không vị Thánh nào có thể chống lại ý Chúa được, nên cầu xin như thế với ông thánh Rôcô là xúi dại ông thánh này rồi.
Quả thực, suy cho cùng thì những tai ương hoặc ngay cả luyện ngục hay hỏa ngục cũng chỉ là hậu quả của tội lỗi con người chứ không phải là do Thiên Chúa trừng phạt. Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chỉ có yêu thương, tha thứ và cứu vớt thôi.
Nhưng trong Kinh Thánh, ngay cả Tân Ước, cũng dùng những cụm từ “roi vọt” như là hành động của Thiên Chúa:
  • Thư Do Thái 12,6: “Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.” 
  • Tin Mừng Luca 12,47-48: "Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít.” 
Và sách Xuất Hành thì đặc biệt nói đến việc ông Mô-sê nài xin Chúa tha phạt cho Dân Israel, và Chúa đã nhận lời:
 Xuất Hành 32,9-14: ĐỨC CHÚA lại phán với ông Mô-sê: "Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ.  Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn." Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: "Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập? Tại sao người Ai-cập lại có thể rêu rao: Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất? Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài. Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời."  ĐỨC CHÚA đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.
Đọc những đoạn Kinh Thánh này, ta không thể nói cách ‘thẳng thừng’ rằng: những câu Lời Chúa trên đây đã sai tín lý rồi (!).
Ta chỉ có thể nói rằng, đấy là những cách nói của người đương thời, mà các tác giả Kinh Thánh muốn sử dụng để diễn tả những chân lý mà Thiên Chúa muốn nhắn nhủ với con người:
  • Luật nhân quả (tội lỗi thì sẽ phải đau khổ) có thể được coi như là những phương tiện Chúa tạo nên để nhắc nhở, răn bảo con người, với tất cả tình thương của Chúa.
  • Chúa muốn Mô-sê cũng như mọi người phải liên đới với nhau trong lời cầu nguyện, đặc biệt trong những gian nan khốn khó.
Lời kinh “Chúng con nài xin Người cứu chúng con khỏi đòn roi trách phạt của Thiên Chúa” cần phải được hiểu trong tinh thần ấy.
Còn nếu ai cảm thấy những lời kinh này vẫn gây dị ứng và làm cho mình hiểu sai về tình thương của Chúa thì có thể đọc kinh khác để cầu xin với ông thánh Rô-cô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét