CỘNG ĐOÀN ĐỨC MẸ FATIMA chân thành kính chúc Qúy Độc Giả Một Năm Mới An Khang - Thịnh Vượng - Vạn Sự Như Ý

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

Liên hoan Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje


Diễn biến lớn nhất trong tuần qua là Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje. Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje đã bắt đầu cách đây 30 năm khi Linh Mục Slavko Barbaric bắt đầu tụ tập và tiếp đón các bạn trẻ để nói với họ về lòng sùng kính Đức Mẹ Medjugorje và các vụ Đức Mẹ hiện ra tại đây.


Tuy nhiên, Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje trong tuần qua là lễ hội lớn nhất trong 30 năm qua theo sau quyết định của Đức Thánh Cha cho phép các giáo phận trên thế giới tổ chức các cuộc hành hương chính thức về địa điểm này. Đây là lễ hội giới trẻ Medjugorje lần đầu tiên được tường thuật rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Công Giáo sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố những quyết định mới nhất về tình trạng của địa điểm hành hương nổi tiếng này. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tường thuật biến cố này.

Sau đây là phần tin chi tiết của chúng tôi cùng các tin tức khác.

1. Hàng trăm ngàn người trẻ tham dự thánh lễ bế mạc Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje

Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje bắt đầu từ hôm 1 tháng Tám và kéo dài 6 ngày đã được bế mạc hôm thứ Ba 6 tháng 8 với thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa chủ tế.

Đức Tổng Giám Mục đã phân tích vài nét trên gương mặt tông đồ Philiphê và viên hoạn quan người Etiopi như kể trong chương 8 sách Công Vụ. Chính hoạt động của Thiên Chúa mở lòng cho hai người và khiến cho họ trở thành những người loan báo Tin Mừng xác tín. Giống như rất nhiều người thời nay ông hoạn quan đọc Sách Thánh nhưng không hiểu ý nghĩa và cần có ai đó giải thích cho họ. Có nhiều văn bản kinh thánh chứng minh cho thấy ơn cứu độ được ban tặng cho tất cả mọi người không loại trừ ai, kể cả các hoạn quan.

Philiphê là người trao truyền Tin Mừng mới. Cung cách hành xử của ông giống như trong ơn gọi của tổ phụ Abraham. Ông thi hành lệnh Chúa truyền, đứng dậy, bước đi, chạy đến gần và đồng hành với hoạn quan Etiopi, rồi giải thích cho quan hiểu toàn lịch sử cứu độ, khiến cho quan tin vào Chúa Giêsu Kitô và xin được rửa tội. Rồi quan cũng trở thành người loan báo Tin Mừng. Hai gương mặt và cung cách hành xử của họ giúp chúng ta hiểu sứ mệnh truyền giáo của mình. Chúng ta là những người đem sứ điệp cứu độ của Chúa tới cho toàn nhân loại. Nó cũng khiến cho chúng ta phải tìm hiểu về bản chất và ơn gọi làm người của mình và biết khiêm tốn lắng nghe tiếng Chúa kêu mời, cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ và trao ban cho cuộc sống một ý nghĩa sâu xa, bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa đối với từng người. Chỉ khi con người lấy Chúa Kitô làm tâm điểm cuộc sống nó mới tìm ra ý nghĩa đích thực và ơn gọi làm người của nó, đặc biệt trong một kỷ nguyên của trống rỗng và nhiều sai lạc như kỷ nguyên ngày nay.

Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje năm nay là lần đầu tiên có sự tham dự của các quan chức đến từ Tòa Thánh như Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma và Đức Tổng Giám Mục Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa.

2. Nguồn gốc Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje

Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje đã bắt đầu cách đây 30 năm khi Linh Mục Slavko Barbaric bắt đầu tụ tập và tiếp đón các bạn trẻ để nói với họ về lòng sùng kính Đức Mẹ Medjugorje và các vụ Đức Mẹ hiện ra tại đây. 

Cho tới nay sau Ngày Quốc Tế Giới Trẻ do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thành lập, Liên hoan Giới Trẻ Công Giáo thế giới tại Medjugorje là lễ hội lớn thứ hai quy tụ đông bạn trẻ. 

Trong suốt 30 năm qua, mỗi năm đều có một lễ hội giới trẻ tại Medjugorje. Năm nay là lễ hội giới trẻ lần thứ 30 tại Medjugorje. Tuy nhiên, đây là lễ hội giới trẻ Medjugorje lần đầu tiên được tường thuật rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Công Giáo sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố những quyết định mới nhất về tình trạng của địa điểm hành hương nổi tiếng này. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tường thuật biến cố này.

Lễ hội năm ngoái đã có 100,000 bạn trẻ đến từ 60 nước tham dự. Năm nay, sau quyết định của Đức Thánh Cha đã có khoảng 160,000 bạn trẻ tham dự thánh lễ bế mạc.

Trong các ngày đại hội người trẻ tham dự các buổi cử hành Thánh Thể, lần Hạt Mân Côi kính Đức Mẹ, chầu Thánh Thể, canh thức cầu nguyện, hành hương và xếp hàng xưng tội. Mỗi lần lễ hội như thế cần có hàng trăm linh mục ban bí tích Hòa Giải cho các bạn trẻ.

3. Sơ lược về Medjugorje

Medjugorje nằm trong khu vực Herzegovina ở phía Tây của nước Bosnia và Herzegovina, cách thị trấn Mostar 25km về phiá Tây Nam và gần với biên giới Crotia. Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981. Từ đó dòng người lũ lượt đến hành hương địa điểm này để cầu nguyện với Đức Mẹ dưới hai tước hiệu là “Đức Mẹ Medjugorje” hay “Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình”.

Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate” – tính chất không siêu nhiên được chứng thực – nói dễ hiểu là do người ta bày vẽ ra, không phải là thật.

Ngày thứ Bẩy 18 tháng Giêng năm 2014, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh lúc bấy giờ là cha Federico Lombardi, cho biết ủy ban quốc tế điều tra các sự kiện tại Medjugorje đã tổ chức cuộc họp cuối cùng một ngày trước đó. Ủy ban đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 triệu tập, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin hình thành vào ngày 17 tháng Ba năm 2010 và do Đức Hồng Y Camillo Ruini lãnh đạo.

4. Lập trường của Tòa Thánh về linh địa Medjugorje

Đến nay Tòa Thánh chưa công bố chính thức kết luận của ủy ban điều tra do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thành lập để nghiên cứu các cuộc hiện ra của Đức Maria tại Medjugorje, Bosnia-Herzegovina. Tuy nhiên, căn cứ vào câu trả lời các ký giả trong chuyến bay trở về từ Sarajevo hôm 6 tháng Sáu, 2015, nhiều người tin rằng Tòa Thánh sẽ không công nhận biến cố Medjugorje như tường thuật của các thị nhân.

Hôm 16 tháng 5, 2017, tờ Vatican Insider, một tờ báo được coi là thạo các tin nội bộ của Tòa Thánh đã gây sửng sốt cho nhiều người khi tường thuật rằng Ủy ban do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thành lập để nghiên cứu các cuộc hiện ra của Đức Maria tại Medjugorje, Bosnia-Herzegovina, đã bỏ phiếu đồng thuận rằng bẩy cuộc hiện ra của Đức Mẹ trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1981 là chân thật.

Tuy nhiên, các thành viên trong ủy ban điều tra tỏ ra nghi ngờ về hàng ngàn những thị kiến được cho là đã xảy ra kể từ sau ngày 4 tháng 7 năm 1981, và được cho là vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Hai trong số 17 thành viên của ủy ban cho rằng những thị kiến được cho là đã xảy ra sau ngày 4 tháng 7 năm 1981 không phải là siêu nhiên, trong khi 15 thành viên khác nói rằng họ không thể đưa ra các phán quyết.

Ủy ban nhận định rằng sáu người nói đã được nhìn thấy Đức Mẹ và một người thứ bảy, là người tuyên bố rằng mình bắt đầu nhận được những sứ điệp của Đức Mẹ kể từ tháng 12 năm 1982 đến nay, đã không được hỗ trợ đầy đủ về phương diện mục vụ.

Vatican Insider đã công bố báo cáo trên vào ngày 16 tháng 5, ba ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói về một số chi tiết trong bản báo cáo này với các nhà báo tháp tùng ngài trên chuyến bay từ Fatima, Bồ Đào Nha, về lại Rôma.

Trong cuộc họp báo ngày 17 tháng 5, phòng báo chí Tòa Thánh đã từ chối bình luận về bài tường thuật này của tờ Vatican Insider.

5. Ý kiến của chính Đức Thánh Cha Phanxicô

Trên chuyến máy bay từ Bồ Đào Nha trở lại Vatican hôm 13 tháng 5, 2017, Đức Phanxicô đã dành cho các nhà báo một cuộc phỏng vấn về đủ mọi vấn đề thời sự. Khi được hỏi về việc Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorje, ngài nói rằng những cuộc hiện ra lúc ban đầu cách nay hơn 3 thập niên thì đáng được nghiên cứu thêm, nhưng những thị kiến sau đó thì rất đáng hồ nghi. Theo ngài, căn cứ vào bản tường trình của ủy ban điều tra do Đức Bênêđíctô XVI thiết lập, được đệ nạp cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, thì ta cần phân biệt hai loại hiện ra.

“Đối với các cuộc hiện ra thứ nhất, với các trẻ em, bản tường trình ít nhiều cho rằng loại này cần được tiếp tục nghiên cứu” nhưng còn đối với “những cuộc hiện ra được giả định là vẫn đang tiếp diễn, thì bản tường trình tỏ ý hồ nghi”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng: “bản thân tôi còn hồ nghi hơn thế, tôi thích coi Đức Mẹ là Mẹ, Mẹ của chúng ta, hơn là một phụ nữ đứng đầu một văn phòng ngày nào cũng gửi đi một tin nhắn vào một giờ nhất định. Đó không phải là Mẹ Chúa Giêsu. Những cuộc hiện ra như thế vô giá trị”.

Ngài minh xác rằng đây chỉ là “ý kiến riêng” của ngài, nhưng nói thêm rằng Đức Bà không hề hành động bằng cách nói rằng “ngày mai vào giờ này, con hãy đến và ta sẽ trao tin nhắn cho những người ấy”.

Theo Vatican Insider, 13 trong số 14 thành viên ủy ban có mặt tại một cuộc họp đã bỏ phiếu đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm của Vatican đối với các cuộc hành hương chính thức của các giáo phận và giáo xứ tới Medjugorje.

Ủy ban cũng đề nghị việc biến nhà thờ giáo xứ Thánh Giacôbê Tông Đồ thành một nhà thờ giáo hoàng với sự giám sát của Vatican. Động thái này không phải là thừa nhận những cuộc hiện ra, nhưng là thừa nhận những nhu cầu vê đức tin và mục vụ của những người hành hương; đồng thời bảo đảm những hiến tặng tài chính của những người hành hương được kế toán phù hợp.

Vai trò của Ủy ban là đưa ra các khuyến nghị đối với Đức Giáo Hoàng; báo cáo của ủy ban không phải là một phán đoán chính thức của Giáo Hội về những cuộc hiện ra. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phóng viên vào ngày 13 tháng Năm rằng “cuối cùng, một cái gì đó sẽ được tuyên bố,” nhưng ngài không đưa ra một thời biểu cụ thể.

Nguồn: Vietcatholic

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét