CỘNG ĐOÀN ĐỨC MẸ FATIMA chân thành kính chúc Qúy Độc Giả Một Năm Mới An Khang - Thịnh Vượng - Vạn Sự Như Ý

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

CÁC MỤC TỬ LÊN TIẾNG TRONG ĐẠI HỘI LA VANG LẦN 31


– Đại hội La Vang lần 31 đã khép lại, nhưng dư âm về những tiếng nói mạnh mẽ cho quyền tự do tôn giáo, về niềm hy vọng của Giáo hội, có lẽ sẽ còn vọng lại sâu trong lòng của các tín hữu, đặc biệt trong bối cảnh Giáo hội Công Giáo Việt Nam đang chịu nhiều bách hại dưới chế độ cộng sản vô thần.

Trước hết đó là những lời rất thẳng thắn và cương quyết của vị Đại diện Tòa Thánh Vatican, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, trong bài giảng khai mạc Đại hội Đức Mẹ La Vang vào hôm Chúa Nhật 13.08.2017. Ngoài những lời nhắn nhủ riêng cho con cái mình trong Giáo hội về một tinh thần kiên tâm chờ đợi và đọc thánh ý Chúa qua các dấu chỉ, cũng như qua sự hướng dẫn của các vị Mục tử trong Giáo hội, ngài đã nhắm thẳng đến nhà nước Việt Nam như sau: “trình thuật tìm gặp Chúa tại Đền Thờ khiến chúng ta nghĩ đến tình hình tại Việt Nam. Nhất là trong một số tỉnh tại Việt Nam một số nhà chức trách dân sự đang quan ngại và trách cứ những người Công Giáo và những sinh hoạt của người Công Giáo. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho cha mẹ Ngài sẽ làm sáng tỏ vấn đề cho chúng ta: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận phải ở nhà của Cha Con sao?” Cùng những lời tương tự, chúng ta có thể nói như thánh Phêrô Tông Đồ rằng: “chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”, hoặc chúng ta có thể lặp lại câu nói thời danh của Chúa Giêsu: “của Xê-da hãy trả về cho Xê-da, của Thiên Chúa hãy trả về cho Thiên Chúa.” Vì lý do đó, tôi muốn ngỏ lời với các “Xê-da Việt Nam” hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.”

Vị Đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục như sau: “Thực vậy tự do tôn giáo không phải là điều tùy tiện trong tay của các nhà chức trách nhưng tự do tôn giáo là một quyền trong tay của người dân. Nhiều người trên thế giới ước mong quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam phải được tôn trọng hơn, thực thi đầy đủ hơn và Hội Thánh Công Giáo Việt Nam phải được nhìn nhận như một nguồn thiện ích hơn là một vấn nạn cho nước nhà.”

Lời phát biểu trước các “Xê-da Việt Nam” như thế, Đức Tổng Giám Mục tái xác quyết trách nhiệm lương tâm của người Công giáo đối với luật nhà nước. Điều tiên quyết là bổn phận thi hành Luật Thiên Chúa được ghi khắc trong lương tâm của mỗi người, qua Giáo huấn của Giáo hội, qua sự hướng dẫn của các vị Mục tử trong Giáo hội mà Chúa đặt lên để coi sóc đàn chiên, chứ không phải những khoản dân luật ban hành.

Điểm thứ hai trong lời phát biểu của Đức TGM là lời yêu cầu nhà nước phải trả lại những gì thuộc về Thiên Chúa, đặc biệt trong đó là quyền tự do tôn giáo. Ngài đã nói rõ câu này: “tự do tôn giáo không phải là điều tùy tiện trong tay của các nhà chức trách nhưng tự do tôn giáo là một quyền trong tay của người dân”. Ngoài ra, qua những lời trên, ngài đề cao những giá trị mà người Công Giáo đã góp ích cho xã hội, trong đó có hai lãnh vực nổi bật: giáo dục và y tế. Nhưng từ sau năm 1975, hai lãnh vực này đã bị nhà nước cộng sản khống chế, nếu không muốn nói là dẹp bỏ. Bởi vậy, vị Đại diện Tòa Thánh đã nói, nhà nước phải nhìn nhận Giáo hội Công Giáo Việt Nam là một nguồn thiện ích chứ không phải là một “vấn nạn cho nước nhà.”

Quả thật đối với nhà nước cộng sản, Công giáo là một “vấn nạn” cần loại bỏ, là một thứ “thuốc phiện ru ngủ dân tộc”. Quan niệm này đã bắt đầu từ thế kỷ 20, chính xác là năm 1917, khi nổ ra cuộc cách mạng Tháng 10 tại Nga, với sự lãnh đạo của Lênin, một lực lượng hùng hậu của chủ nghĩa cộng sản vô thần lên ngôi và từ đó họ đã xem tôn giáo như một thứ tàn dư nguy hiểm cần phải loại trừ.

Và trong bài giảng sáng ngày 14.08.2017, ngày thứ hai của Đại hội La Vang, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, đã nhắc tới bối cảnh lịch sử của việc Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Ngài nói như sau: “Năm nay Hội Thánh mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Lời kêu gọi của Mẹ tại Fatiama vào đầu thế kỷ thứ 20, lúc đó thế giới đang đau khổ vì chiến tranh thế giới lần thứ I. Con người có khả năng lầm đường lạc lối bởi sức tấn công của chủ nghĩa vô thần.” Những lời sau đó, Đức Cha Giuse khuyên bảo tín hữu của mình hãy chống lại sức tấn công của chủ nghĩa cộng sản vô thần, bằng cách thực thi sứ điệp của Mẹ Fatima: sám hối, hoán cải đời sống; siêng năng lần hạt Mân Côi; Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Sức mạnh để chống lại chủ nghĩa cộng sản vô thần, thiết nghĩ trước hết người tín hữu sám hối vì những tội lỗi của chính mình, sau đó nhờ sức mạnh của cộng đoàn Giáo hội, sẽ giúp cải thiện đời sống xã hội. Người tín hữu còn có tràng chuỗi Mân Côi như là vũ khí chiến thắng chủ nghĩa cộng sản vô thần như đã từng minh chứng trong lịch sử của đất nước Nga.

Với bài giảng trong ngày 15.08.2017, thánh lễ Bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu La Vang, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã tinh tế so sánh chủ thuyết cộng sản vô thần chính là tà thần qua hình ảnh con Mãng Xà trong sách Khải Huyền, luôn chờ trực để tấn công và tiêu diệt Giáo Hội. Nó đã từng tấn công Giáo hội vì “đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất.” Và giờ đây con mãng xà đang chờ nuốt đứa trẻ khi Bà sinh ra. Nhưng Đức Bà đã chiến thắng con Mãng Xà. Người Con mà Mẹ sinh ra đã được đưa ngay lên tận ngai Thiên Chúa.

Người Con vừa sinh ra ấy cũng có thể được hiểu là hình ảnh của Giáo hội, một Giáo hội non nớt, nghèo nàn, bé nhỏ, nhưng sức mạnh của tà thần, sự hung dữ của mãng xà không thể nuốt được Giáo hội. Đó chính là niềm hy vọng của chúng ta, những người Công Giáo đang đối đầu với sức tấn công của sự dữ.

Đức Cha Phêrô đã nói đến niềm hy vọng đó như sau: “Sứ điệp Fatima cũng như sứ điệp La Vang là sứ điệp của niềm hy vọng. Ngày xưa tại Bồ Đào Nha, ông Afonsô Costa, nhân danh thủ lãnh quốc gia, người đã ra những luật lệ khắt khe với Đạo Công Giáo đã từng tuyên bố: trong vòng hai thế hệ sẽ dẹp bỏ hoàn toàn Đạo Công Giáo khỏi đất nước Bồ Đào Nha. Đến hôm nay, khi nhìn lại, thì ông ta đã chết, chết lâu rồi, Fatima vẫn còn đó và trở thành trung tâm hành hương Đức Mẹ trên thế giới. 300 năm trước, các vua chúa ở Việt Nam cũng đã ra sức cấm đạo, không muốn cho Đạo Công Giáo có mặt trên đất nước này, đến hôm nay khi nhìn lại, thì các vua chúa ấy chết hết rồi, nhưng La Vang vẫn còn đây, trở thành trung tâm hành hương của người Công Giáo Việt Nam.” Giáo hội là như thế đó! Không một thế lực trần gian nào có thể tiêu diệt Giáo hội vì Giáo hội ấy được Chúa Kitô thiết lập. Nhưng đồng thời, Giáo hội phải đi con đường của Đức Kitô, con đường của khiêm hạ, không tìm vinh quang cho mình, nhưng tìm thánh ý Cha; Giáo hội cũng mời gọi đi con đường của Đức Maria, như điều Mẹ thưa lên trong lời kinh Manificat: phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn đến, từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

Vì thế để kết thúc bài giảng của mình, Đức cha Phêrô nhắc lại sự chọn lựa của Giáo hội như sau: “Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một Giáo hội nghèo, một Giáo hội không lây nhiễm bất cứ một quyền lực nào của thế gian mà chỉ cậy dựa vào một mình Chúa mà thôi. Chúng ta cùng nhau xây dựng một Giáo hội nghèo, một Giáo hội không mang một tham vọng trần tục nào mà chỉ mang sứ điệp của Chúa Giêsu trong trái tim mình và cùng với Mẹ Maria, theo gương Mẹ Maria chúng ta đem tình thương của Chúa đến cho anh chị em chúng ta.”

Với ba bài giảng trong ba ngày Đại hội La Vang, các Mục tử trong Giáo hội một lần nữa khẳng định với nhà nước cộng sản về quyền tự do tôn giáo, về lương tâm ngay chính, về con đường của Giáo hội đi. Đây không phải là một thách thức đối với nhà nước nhưng là quan điểm rõ ràng của Giáo hội trước những vấn đề nóng bỏng gần đây khi nhà nước có những hành động ngang nhiên xâm hại đến quyền tự do tôn giáo. Với những lời lên tiếng ấy, liệu nhà nước có hiểu và có thái độ hành xử như thế nào trong thời gian tới?

Vũ Hoàng Trương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét