CỘNG ĐOÀN ĐỨC MẸ FATIMA chân thành kính chúc Qúy Độc Giả Một Năm Mới An Khang - Thịnh Vượng - Vạn Sự Như Ý

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Thánh Antôn Padua




Truyện Thánh Antôn (Phần I)


CUỘC ĐỜI LẠ LÙNG CỦA THÁNH ANTÔN

THỜI THƠ ẤU

Antôn sinh vào tháng 8 năm 1195, tại Lisbon, kinh đô nước Bồ Đào Nha. Cha là ông Matinô, mẹ là bà Têrêsa. Hai ông bà thuộc hàng quý tộc, đầy lòng mộ đạo và kính mến Đức Mẹ cách riêng. Khi Antôn vừa bập bẹ, mẹ đã dạy cho cậu kêu cầu Thánh danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, cùng dạy cho một kinh kính Đức Mẹ mà Antôn hằng nhớ trọn đời.
Từ tấm bé, Antôn đã tỏ ra hiền lành, không thường chạy chới với trẻ lân cận. Cậu chỉ ở nhà với mẹ hoặc theo mẹ đi nhà thờ. Khi bà quỳ trước bàn thờ Đức Mẹ thì cậu cũng chấp tay quỳ gối, chăm chú như người lớn vậy. Khi vừa đến tuổi khôn lớn, thì Antôn theo ơn Chúa Thánh Thần, đã khấn giữ mình trinh khiết trọn đời theo gương Đức Mẹ. Vì lòng bác ái nên cậu rất vui sướng khi được cha mẹ giao tiền, gạo giúp người nghèo.

Antôn được 10 tuổi thì cha mẹ gởi cho học trong nhà cha sở ở gần đó, ở chung cùng với một số thiếu nhi khác, nhưng Antôn trội hơn bạn bè về học hành, nết na và đạo đức. Nhất là cậu mến mộ việc phụng vụ, cậu giúp lễ, xông hương nghiêm trang, sốt sắng như thiên thần vậy. Vì thế, cậu được thầy thương bạn mến. Ma quỷ thấy vậy thì căm tức, toan hại cậu. Một hôm, cậu đang cầu nguyện trên bậc đá bàn thờ Đức Mẹ như thường lệ, bỗng quỷ lấy hình gớm ghiếc nhảy lên vai toan bóp cổ. Muốn kêu Giêsu Maria mà không kêu được, cậu liền lấy ngón tay vẽ dấu Thánh Giá vào bậc đá. Quỷ thấy vậy thì rút lui. Lạ lùng là dấu Thánh Giá ăn sâu vào đá, đến nay vẫn còn. Và khách hành hương hằng đua nhau đến tôn kính.

ANTÔN VÀO DÒNG VÀ LÀM LINH MỤC

Năm 15 tuổi, Antôn tỏ ý muốn dâng mình vào một tu hội, để tận tình phụng sự Chúa. Cha mẹ, bà con, bạn hữu đều ngăn cản vì cậu là trưởng nam, cần ở đời để nối dõi tông đường. Kẻ thì khuyên hãy giãn ra một thời gian để biết rõ Thánh ý Chúa hơn. Kẻ thì chê cười là dại dột, bỏ tiền tài danh vọng mà theo đường khắc khổ vô danh. Nhưng Antôn coi phú quý vinh hoa như phân bón, và cậu quyết chí chọn phần là dâng mình phụng thờ Chúa trọn đời. Và thế là một sớm kia, Antôn trốn nhà đến tu viện Augustin gần đó, xin vào tu. Bề trên xem danh tính người thì sẵn lòng tiếp nhận. Biết vậy, Antôn vui sướng dường nào! Chẳng bao lâu thầy đã quen nếp sống nhà dòng và trở nên khiêm nhường, phục tùng, chăm chỉ chẳng kém gì các thầy kỳ cựu.

Thầy có trí thông minh phi thường, hiểu thấu những lẽ cao siêu: nhớ dai những điều đã học chỉ một lần. Thầy chăm học lắm. Dù đêm dù ngày, thầy không rời sách. Tuy nhiên, thầy lấy việc đi đàng nhân đức làm trọng hơn nữa. Để tập đức khiêm nhường, việc hèn như làm bếp, quét nhà thầy đều tranh làm hết. Vì lòng bác ái, thầy xin được chăm sóc anh em bệnh tật. Có lần Chúa cho thầy lấy áo của thầy khoác áo cho bệnh nhân thì người ấy liền khỏi.

Năm thầy 25 tuổi, nghĩa là gần 10 năm tu trì, thầy đã vâng lời bề trên mà thụ phong linh mục.

Đang sống trong dòng Augustin, thì xãy ra vài biến cố làm cho thầy Antôn muốn đổi dòng. Số là tu viên Augustin có thông lệ bố thí tiền gạo cho người đến xin mỗi tuần một lần vào ngày thứ tư. Một hôm, thầy Antôn thấy hai tu sĩ Phan Sinh mặc áo vải thô, sắc mặt võ vàng, lưng đeo bị đến ăn xin thì thầy Antôn động lòng tôn kính, mến các thầy ấy, mà cho là kẻ có phước, vì đã bắt chước đức khó nghèo Chúa Giêsu cách trọn vẹn. Cũng độ ấy, có cuộc rước xác 5 Thánh tử đạo, là tu sĩ Phan Sinh từ Bắc Phi về nước Bồ Đào Nha. Cuộc khải hoàn ấy thật linh đình, long trọng, nhất là có nhiều kẻ ốm đau bệnh tật nhờ ơn các đấng ấy mà đã lành. Sự kiện này làm cho thầy Antôn càng trọng, càng mến dòng Phan Sinh và ao ước được gia nhập dòng ấy để truyền giáo và được phúc tử đạo. Nhưng nghĩ lại, bỏ dòng Augustin đã đào tạo nên mình thì mang tiếng là vô ơn, nên thầy ra sức xua đuổi ý tưởng ấy đi. Song càng xua đuổi thì nó càng trở lại mạnh hơn. Người lo lắng ngày đêm nên xin Chúa soi sáng cho biết Thánh ý Chúa. Một hôm, trong lúc Người đang quỳ cầu nguyện trước tượng chuộc tội, bỗng thấy thánh Phanxicô Khó Khăn, gương mặt sáng láng hiện đến bảo rằng:

- Hỡi Antôn, đừng lo lắng sợ hãi nữa. Chúa sai cha đến báo cho con biết Thánh ý Ngài muốn con vào dòng mà Ngài đã truyền cho cha lập. Cha sẽ làm cha con và con sẽ làm con cha.

Thánh Phanxicô biến đi rồi, thì thầy Antôn mừng rỡ hết sức và quyết theo ơn thiên triệu mới. Ngày hôm sau là ngày mùng 1 tháng 4, thầy Antôn từ tạ bề trên và bạn dòng mà sang tu viện Phan Sinh gần đó; liền được thâu nhận, cho mặc áo dòng và đổi tên là Antôn, vì trước đó tên Người là Phêđinăng.

SỰ CHUẨN BỊ CHO MỘT SỨ MẠNG TÔNG ĐỒ

Mới vào dòng Phan Sinh được mấy tháng, thầy Antôn đã tình nguyện đi truyền giáo ở Bắc Phi, hầu thực hiện lý tưởng của mình. Bạn đồng hành là thầy Philiphê. Nhưng vừa đến nơi thì thầy Antôn ngã bệnh, nằm liệt bốn tháng tròn, chẳng hoạt động chi được. Khi được loan báo, bề trên dạy đưa thầy về chữa trị trong một tu viện Bồ Đào Nha. Trên đường đi gặp bão to gió lớn, nên tàu dạt vào đảo Sicilia nước Ý. Và từ đó, thầy Antôn không về đến quê hương được nữa. Trên đảo này có dòng Phan Sinh mới thành lập, còn thiếu thốn nhiều điều, nhất la nước uống. Đã đào nhiều nơi trong vườn mà không co nước. Thấy vậy, thầy Antôn liền cầu nguyện một lúc rồi chỉ một địa điểm trong vườn, tức thì gặp được mạch nước ngọt trong. Giếng ấy nay vẫn còn và người ta gọi là giếng Thánh Antôn. Cũng còn một quả chuông gọi là chuông Thánh Antôn do Người lưu lại; hễ gặp phong ba sấm sét thì thỉnh lên để cầu bình yên.

Ở đó dưỡng bệnh được hơn một tháng, thầy Antôn cùng với thầy Philiphê đi Asidi, cách xa 10 ngày đàng để dự Công đồng toàn dòng, dưới quyền chủ toạ là đấng sáng lập các bậc đàn anh trong dòng. Nhưng khi bế mạc, bề trên không cắt cử Người vào công tác nào vì thấy Người còn quá yếu. Đang khi Người bơ vơ, thì cha Casianô, bề trên dòng tại xứ Phêlixia gặp Người và hỏi:

- Thầy đã có bài sai chưa?
- Thưa cha, chưa. Thầy Antôn đáp.
- Thầy đã chịu chức linh mục chưa?
- Thưa cha rồi.
- Thầy có muốn đi với tôi chăng?
- Thánh ý Đức Chúa Trời muốn cho con đi đâu thì con đi đó.
- Vậy thì thầy hãy đi với tôi.

Thầy Antôn liền đi theo bề trên Casianô về tu viện xứ Phêlixia. Bề trên dạy Người rửa bát, quét nhà, dọn phòng các thầy. Người vui mừng lắm. Sau đó, được bề tren chấp thuận. Người lên hang núi cao mà ăn chay cầu nguyện trong vòng chín tháng, như các thánh tu rừng xưa. Đó là phương cách Chúa dùng để chuẩn bi cho Người rao giảng lời Chúa sau này.

NHÀ GIẢNG THUYẾT LỪNG DANH

Trong truyện các vĩ nhân, ta thường thấy rằng: xuyên qua một sự việc bất ngờ mà thiên hạ nhận ra thiên tài của các vị ấy. Trường hợp của Thánh Antôn cũng vậy. Năm ấy, Đức Giám Mục thành Phôli truyền chức linh mục cho nhiều tu sĩ hai dòng Đa Minh và Phan Sinh, các bề trên đều đến dự lễ, trong số đó có bề trên Casianô mà thầy Antôn tháp tùng.

Trong lễ truyền chức, Đức Giám Mục vốn quen giảng một bài trọng thể. Nhưng hôm ấy ngài mệt không giảng được nên có lời nhờ các bề trên trong dòng giảng thay. Các vị đều xin kiếu vì chưa kịp soạn bài. Bấy giờ, bề trên Casianô gọi thầy Antôn và truyền cho Người phải giảng. Người cũng xin kiếu, vì từ thuở vào dòng chưa giảng bao giờ. Nhưng vì bề trên cứ yêu cầu, nên Người vâng lời lên tòa giảng ngay. Thấy Người đứng trên tòa giảng, các tu sĩ đều ái ngại cho Người. Một kẻ chỉ quen quét nhà, rửa bát, mà dám lên giảng ư? Nhưng khi Antôn giảng thao thao bất tuyệt về đề tài: "Đức Kitô đã vâng lời cho đến chết vì lòng thương chúng ta" thì mọi người mới ngẩn ra trước tài hùng biện của Người. Người đưa ra những lý mạnh, lẽ cao; dẫn chứng lời Thánh Kinh, lời giáo phụ một cách mạch lạc, chính xác như thể là bậc thầy chuyên về giảng thuyết xưa nay vậy. Giọng Người thì âm vang, lời Người thì sốt sắng thấu tận lòng người nghe. Đức Giám Mục và toàn thể cử tọa đều cảm động ra nước mắt và nói xưa nay chưa được nghe đấng nào giảng thấm thía đến như vậy.

Dòng Phan Sinh vui mừng có một nhà hùng biện sẽ làm sáng danh Chúa. Bề trên Casianô liền ban bài sai cho phép thầy được đi giảng khắp miền lân cận. Đồng thời người cũng loan báo cho thánh Phanxicô biết nữa. Thánh phụ mừng lắm, ngước mắt lên trời tạ ơn Chúa: "Chúa đã ban cho chúng con một người xuất sắc". Rồi truyền cho thầy Antôn phải dạy thần học cho các tu sĩ ở dòng. Người vâng lời, đi dạy thần học trong các tu viện Phan Sinh thuộc nước Ý và nước Pháp rất thành công.

Nhưng Thiên Chúa chọn Người làm đèn sáng thiên hạ, nên chẳng bao lâu, thánh tổ phụ truyền cho Người giảng tại nước Ý và nước Pháp cho kẻ tội lỗi, người rối đạo hối cải ăn năn. Sứ vụ tông đồ ấy, Người đã hoàn thành với vô vàn hiệu quả thiêng liêng, trong vòng 10 năm từ khi Người 25 tuổi cho đến khi qua đời. Bấy lâu trước, thiên hạ chưa từng thấy đấng nào giảng sốt sắng và làm nhiều phép lạ cho bằng (có lẽ chỉ có thánh Vinh Sơn, hai thế kỷ sau mới sánh được với thánh Antôn). Thầy Antôn lừng danh khắp mọi nơi. Ai cũng háo hức muốn xem thấy mặt, cũng muốn lắng nghe lời Người. Khi được tin Người đến đâu thì người nông thôn, dù ngày mùa, cũng bỏ hết công việc; người thành thị, dù đang buôn bán, cũng đóng hết cửa hàng, để tuông đến nghe thầy giảng, có kẻ đi suốt cả đêm mà đến. Số thính giã từ một vạn đến ba bốn vạn người. Thầy phải giảng ngoài trời: ở công viên, giữa chợ hoặc ngoài đồng. Ngoài tài hùng biện tự nhiên, dường như thầy còn có sự hấp dẫn siêu nhiên nữa. Khi thầy dừng giảng, thì người ta tưởng như nghe một vị thiên thần nói với mình. Lý lẽ mạnh, cùng giọng thiết tha của thầy làm cho những lòng chai đá cũng mềm ra. Biết bao kẻ có tội ăn năn, người rối đạo trở lại, kẻ thù địch làm hòa, người bất công trả của. Chúa cũng cho thầy làm phép lạ nhãn tiền để khuất phục kẻ cứng lòng.

Trải qua 15 năm lưu thuyết, khắp các vùng hai nước Pháp và Ý, thầy Antôn cùng với lời giảng đã làm vô vàn phép lạ đến nỗi người đương thời gọi thầy là "Ông thánh hay làm phép lạ".

NHỮNG KẾT QỦA CỦA LỜI GIẢNG

Cá về nghe giảng

Tại thành Điminô, nước Ý, có nhiều kẻ lạc đạo, nhưng không muốn đi nghe thầy Antôn giảng, kẻo phải trở lại chăng. Một hôm, do ơn Chúa thúc giục, thầy ra bờ biển gọi cá đến nghe giảng, cá kéo đến rất nhiều; nhưng lớp lang thứ tự, nhỏ trước lớn sau. Ngóc đầu lên khỏi mặt nước, chúng đều hướng về thầy Antôn, Người liền bảo cá rằng:

- Hỡi loài cá mú! Hãy tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa, vì Ngài đã tạo dựng nên bay; đã ban biển cả mênh mông cho bay bơi lội; đã khoét hang hóc an toàn cho bay ẩn mình lúc phong ba bão táp. Đại hồng thủy đã tiêu diệt loài người, loài vật, nhưng Chúa vẫn bảo tồn bay, cho bay được sống, được sinh sản thêm nhiều và ban lương thực hàng ngày cho bay. Vì thế hỡi loài cá mú! Bay hãy tạ ơn Thiên Chúa cho cùng.

Khi được tin cá đến nghe thầy Antôn giảng, thì dân thành nô nức kéo ra. Họ thấy khi thầy Antôn giảng, cá cất đầu, hà hơi. vẫy đuôi tỏ ý vui sướng, tán thành. Sau khi làm phép lành và cho cá giải tán, thầy Antôn quay lại bảo kẻ rối đạo rằng:

- Anh xem đó! Cá là loài vô tri mà cònh biết nghe lời Thiên Chúa; mà anh em là loài hữu tri, đã được cứu chuộc bằng giá Máu Chúa Giêsu mà chẳng muốn nghe lời Thiên Chúa, chẳng muốn phụng sự kính mến Ngài sao?

Từ đó về sau, kẻ rối đạo siêng năng đến nghe lời thầy Antôn giảng, và có nhiều người quy hồi chính đạo.

Thuốc Độc hại

Cũng tại thành Điminô, có kẻ rối đạo muốn sát hại thầy Antôn cho bõ ghét. Nó mời thầy đến dùng bữa và nó bỏ thuốc độc vào. Vốn không quen đi ăn tại nhà ai; nhưng lần này thầy nhận lời và muốn có dịp mà khuyên răn gia chủ. Nhưng khi mới ngồi vào bàn ăn thì Chúa soi sáng cho Người biết mưu sâu của nó. Người liền trách nó rằng:

- Anh làm thế không tốt! Hoặc anh nghĩ tôi chết đi thì không còn có ai giảng đạo nữa chăng?

Thấy mưu sâu mình bị lộ, anh chủ nhà chửa thẹn rằng:

- Tôi không dụng tâm giết Thầy, nhưng có ý thử xem lời Kinh Thánh: "Kẻ tin ta dù có uống thuốc độc cũng không hại gì" có thật hay là không thôi. Nếu thầy ăn của độc này mà vô sự thì tôi sẽ tin theo đạo thầy.

Thầy Antôn liền làm dấu thánh giá trên thực phẩm rồi ăn ngay, mà bằng an vô sự. Kẻ rối đạo thấy vậy thì trở lại thật.

Ngựa đói chê cỏ

Tại thành Tulu, nước Pháp, thầy Antôn tranh luận với nhóm rối đạo về mầu nhiệm Chúa Giêsu ngự thật trong Thánh Thể. Sau khi nghe thầy trình bày những luận cứ vững vàng, thì một người rối đạo nói:

- Đã hay lời Chúa Giêsu thì rõ ràng lắm, song nếu con mắt tôi không thấy tỏ tường, thì tôi không tin.

Thầy Antôn liền hỏi:

- Vậy anh muốn tôi làm phép lạ nào?

- Tôi có một con ngựa, hắn đáp, tôi sẽ bắt nó nhịn đói ba ngày. Ngày thứ bốn tôi sẽ dắt ra đây cùng một bó cỏ non. Còn thầy, thầy sẽ đưa Thánh Thể ra trước mặt nó. Nếu nó bỏ cỏ không ăn mà quỳ lạy Thánh Thể, thì tôi sẽ tin có Chúa Giêsu ngự thật trong đó.

Thầy Antôn nhận cuộc, rồi quay trở về tu viện ăn chay, cầu nguyện ba ngày ba đêm. Đến ngày hẹn, từ sáng sớm, dân chúng đã tuôn đến đầy chợ. Ông chủ dắt ngựa đi trước, đầy tớ đội cỏ theo sau. Đồng thời, thầy Antôn cũng kiệu Mình Thánh Chúa lên nói lớn:

- Hỡi con vật vô tri, nhân danh Chúa Giêsu đã dựng nên mi, và đang ngự trước mặt mi, ta truyền cho mi phải quỳ gối thờ lạy Chúa, để thiên hạ biết rằng vạn vật trên trời dưới đất phải thờ lạy Ngài.

Đang khi thầy nói, thì đầy tớ vâng lời chủ vội đem sọt cỏ đặt ngay trước mõm ngựa, nhưng nó chẳng thèm để ý tới; chỉ vội vàng quỳ hai chân trước xuống thờ lạy Chúa; dù tên đầy tớ ra sức ấn cỏ vào mồm thì ngựa cũng không ăn, cứ quỳ yên cho đến khi thầy Antôn kiệu Mình Thánh Chúa về mới đứng lên ăn. Phần người rối đạo nói trên cùng cả dòng họ thì đã trở lại đạo thật và sống đạo nêu gương. Ông lại còn bỏ tiền xây một đền thờ tôn kính thánh Phêrô tại thành Tulu, đến nay vẫn còn.

CHÚA YÊU, QUỶ SỢ

Có những sự kiện tỏ ra thầy Antôn được Thiên Chúa thương yêu chừng nào thì ma quỷ ghen ghét chừng ấy.

Chúa Hài Đồng hiện ra

Trong khi lưu thuyết trên nước Pháp; một hôm thầy trọ đêm trong phòng vắng vẻ của một nhà kia. Bỗng nửa đêm phòng thầy sáng rực. Chủ nhà mon men tới xem thì thấy Người đang ngất trí cầu nguyện và Chúa Hài Đồng hiện đến ngự trên cánh tay Người vẻ đơn sơ, âu yếm để cho Người ẵm bồng và hôn kính. Rồi chủ nhà nhẹ nhàng rút lui, tưởng thánh nhân không biết. Chẳng dè, sáng hôm sau, trước khi ra đi, Người dặn chủ nhà không được tiết lộ việc ấy ra. Vâng theo lời dặn ông ấy giữ kỹ điều bí mật. Đến khi thánh nhân qua đời rồi, ông mới tỏ ra vinh danh ông thánh, vì Người đã được Chúa Giêsu yêu mến như vậy.

Do tích này mà tượng thánh Antôn thường có bồng Chúa Hài Đồng trên tay.

Quỷ quấy phá thánh nhân

Thầy Antôn làm sáng danh Thiên Chúa và cứu vớt nhiều linh hồn, nên quỷ giận ghét Người lắm. Chẳng những nó cố sức ngăn cản công việc của Người mà nó toan giết Người nữa.

Một hôm, Người vừa ngả mình được một lát, quỷ liền xông vào bốp cổ Người, chặt đến nỗi, nếu như không được Đức Mẹ cứu kịp thời, thì Người đã tắt thở. Nhưng Người đã mau mắn làm dấu Thánh Giá trên mình và đọc thầm trong trí kinh Đức Mẹ mà Người vốn thuộc từ bé, thì quỷ buông Người ra và biến đi. Một đêm khác, thầy Antôn đang cầu nguyện nơi hang đá kia, bỗng chốc quỷ lấy hình hung ác hiện ra, giơ tay lên toan đánh chết Người, Người liền đọc kinh Đức Mẹ, thì Đức Mẹ hiện ra sáng chói trên đám mây, giữa muôn vàn thiên thần, quỷ tức thì sợ hãi trốn mất dạng. Về sau, người ta xây một bàn thờ trong hang ấy để tạ ơn Đức Mẹ, bàn thờ ấy ngày nay vẫn còn và người ta năng đến kính viếng.

Ơn nói tiên tri

Tại thành Anisi, nước Pháp, có một người đàn ông giàu sang, nhưng be bối về đạo vợ chồng. Một hôm, thầy Antôn gặp ông và nói: "Tôi quý ông, vì tôi biết sau này ông sẽ sửa mình, đi truyền giáo và được phúc tử đạo nữa". Người ấy nghe nói vậy thì cúi đầu cười rồi đi. Chẳng bao lâu, ông ấy được ơn hối cải lại nhiệt thành theo Đức Giám Mục giáo phận sang giảng đạo cho người Hồi giáo tại Đất thánh được nhiều thành quả và sau cùng được phúc tử đạo cùng với Đấng Giám Mục.

Cũng tại thành Anisi, có một bà đến xin làm phép thai, thầy Antôn bảo: "Bà hãy vui mừng, con bà sẽ gọi là Philliphê, sẽ tu dòng Phan Sinh và nên cao trọng trước mặt Chúa vì phúc tử đạo". Mọi việc xảy ra đúng như thầy báo trước. Người con ấy đã làm linh mục Phan Sinh, sang Đất thánh lo việc đạo, chẳng may bị người Hồi bắt sống cùng nhóm bạn đông lắm. Bấy giờ quân Hồi cho các giáo hữu chọn một trong hai điều này: một là bỏ đạo mình mà theo đạo Hồi, hai là bị xử chém tất cả. Thầy Philliphê sốt sắng khuyên anh em thà chết hơn là bỏ đạo Chúa Giêsu. Và mọi người cùng với thầy giữ vững đức tin xưng đạo ra, để lãnh lấy nhành thiên tuế tử đạo.

HIẾU THẢO TRI ÂN

Thầy Antôn hằng hiếu thảo với cha mẹ và đền đáp kẻ làm ơn cho mình.

Cứu cha khỏi oan khổ

Ta không có tài liệu để biết cách Người hiếu thảo thế nào với cha mẹ, mà Người hằng thương nhớ vô cùng; nhưng về cha thì có tích sau đây.

Cha người là ông Matinô, là quản khố nhà nước tại kinh thành Lisbon. Ông là người công minh, chính trực, không hề tơ hào của nhà vua, nhưng có tính dễ dãi thương người. Ông cho mấy bạn đồng liêu vay tạm của kho, mà không bắt làm khế tự. Đáng lẽ những người ấy biết ơn ông mới phải. Nhưng than ôi, đời này biết ơn thì hiếm lắm! Họ đã không trả nợ, lại cùng nhau tố cáo là phân tán của kho. Nhà vua cho mở cuộc điều tra. Ông Matinô khai đúng sự thật, nhưng ban điều tra khai không tin, vì khẩu thuyết vô bằng. Nên chẳng những phải bồi hoàn, mà còn bị tù nữa. Được tin ấy, thầy Antôn cầu xin Chúa thương cứu giúp cha mình cách nào. Bỗng thiên thần đem Người từ Ý về Bồ Đào Nha trong nháy mắt. Người vào toà án nơi đang xử cha Người. Người liền nói cho các quan biết tên những kẻ đã vay của kho, mỗi người là bao nhiêu, rồi cho đòi chúng đến. Trước uy quyền của thánh nhân, chúng đã thú nhận mọi sự và cha Người được minh oan.

Nhưng chưa hết, ông Matinô còn gặp một vụ khó khăn lớn hơn thế nữa. Số là dân thành đánh nhau làm cho một người mất mạng. Để thoát tay thần công lý, chúng lén chôn nạn nhân vào vườn nhà ông Matinô và vu cho ông tội giết người. Toà luận cho Matinô và một tên đầy tớ của ông phải án tù. Bấy giờ, thầy Antôn đang ở nước Ý, được thiên thần mang ngay về thành Lisbon, Bồ Đào Nha, chính lúc cha người bị điệu ra pháp trường. Người liền bảo đưa quan tài kẻ chết đến, thầy sấp mình cầu nguyện rồi lấy giọng oai nghiêm bảo kẻ chết rằng:

- Nhân danh Chúa Giêsu, ta truyền cho ngươi sống lại và nói cho mọi người ở đây ai là người giết ngươi.

Nó liền sống lại và nói rõ ràng:

- Không phải ông Matinô giết nhưng chính kẻ vu khống đã giết tôi..

Các quan tòa liền thả ông Matinô và tên gia bộc đồng thời lên án tù cho kẻ vu cáo.

Ly vỡ lại lành

Thầy Antôn hay đền đáp cho kẻ làm ơn cho mình. Trên đường từ Pháp về Ý, Người cùng một bạn đồng hành vào trọ đêm trong nhà một bà đạo đức và nghèo khó. Bà chỉ mượn hàng xóm một cái ly cho hai người, thế mà tu sĩ đồng hành lại đánh rơi vỡ nát. Đã vậy, thùng rượu vang dưới nhà lại quên khóa vòi lại, chảy tràn lan. Hai tai vạ một trật, bà chịu không nổi liền đem tâm sự với thầy Antôn. Người vừa cúi đầu cầu nguyện thì bà thấy các mảnh vỡ đã ráp lại và cái ly trở lại nguyên lành như trước. Bà liền nghĩ: "Đấng làm ly vỡ lại lành ắt cũng có phép làm cho vò rượu vơi lại đầy như cũ". Cho nên, bà chạy xuống nhà xem sao, thì quả nhiên thấy vò rượu đã đầy. Bà liền chạy lên quỳ gối tạ ơn ông thánh.

VỀ NHÀ CHA

Pađua, quê hương thứ hai

Sinh quán là người thành Lisbon, đáng lẽ gọi Người là thánh Antôn thành Lisbon mới phải, tại sao lại gọi là thánh Antôn thành Pađua? Thưa, vì Người đã chọn thành ấy làm quê hương thứ hai, ở đó lâu năm và qua đời, cũng an táng tại đó. Lại vì dân thành ấy ngoan đạo, mạnh tin, có lòng mộ mến người dòng Phan Sinh đặc biệt.

Đừng kể lần giảng trước, thì năm 1231, là chính năm Người qua đời, Người đã giảng đại phúc mùa chay cho họ, bắt đầu từ ngày mồng 5 tháng 2, mà người giảng khéo léo, sốt sắng hơn mọi khi; nên dân thành say mê, quên ăn, quên ngủ, bỏ hết mọi việc cửa nhà, để đến mà nghe cho thỏa. Nhiều giáo dân vùng phụ cận cũng kéo tới. Số người nghe đến ba bốn vạn nên phải giảng ngoài công viên hoặc ngoài cánh đồn. Tuy đông đảo như vậy, mà khi người giảng cứ im phăng phắc. Mỗi khi Người qua đám đông mà đến tòa giảng hoặc từ tòa giảng về thì người ta xô lấn nhau cố lại gần để hôn chân, hôn tay, hôn áo, nên phải có 10 người lực lưỡng đi theo để bảo vệ.

Đấng thánh qua đời

Sau mấy tháng giảng đại phúc ấy, thầy Antôn cảm thấy yếu mệt, kiệt sức khác thường và biết mình chẳng còn sống bao lâu nữa. Nên Người quyết bỏ mọi việc để dọn mình chết lành. Với hai thầy dòng thân tín, người lánh vào khu rừng gần đó, làm ba người ba cái chòi đọc kinh, nguyện ngắm, hãm mình. Trước cái chết sẽ đến, mỗi lúc mỗi gần, thầy Antôn đã không lo buồn, lại mong ước được thoát ly đến cùng Đức Kitô.

Đến ngày 13 tháng 6 năm 1231, Người vừa ngồi vào bàn ăn thì ngất đi. Đi khi tỉnh lại Người bảo các thầy: "Tôi chết hôm nay. Xin đem ngay tôi về tu viện." Nhưng vừa đến cửa thành, Người lại ngất đi, nên phải đem vào nhà thương tế bần gần đó, do dòng Phan Sinh thiết lập, điều hành. Khi tỉnh lại, Người khiêm nhường xưng tội, rước Mình Chúa làm của ăn đàng và lĩnh bí tích Xức Dầu bệnh nhân một cách thật sốt sắng. Sau đó, Người như bớt mệt, nên đọc hết kinh Đức Mẹ Người quen đọc từ nhỏ. Rồi Người ngửa mặt lên trời, mắt trừng trừng trông lên như thể xem thấy một sự lạ. Các thầy hỏi Người: "Thầy xem sự gì đó?" Người đáp: "Tôi xem thấy Chúa Giêsu, Người ra hiệu bảo tôi đến cùng Người ngay." Nói rồi, thầy Antôn cười và tắt thở, phó linh hồn trong tay Chúa, tròn 36 tuổi.

Tang lễ hay khải hoàn?

Trong khi nhà dòng chưa kịp loan báo tin buồn, thì khắp thành trẻ nhỏ đều kêu lên: "Cha Antôn đã chết! Người về thiên đàng rồi." Nghe nói thế, đàn ông, đàn bà, già trẻ, lớn bé, mọi người trong thành chạy đến nhà thương để chiêm ngưỡng Người lần sau hết. Họ khóc rằng: "Ôi cha rất thánh! Người sao bỏ chúng con mồ côi vậy".

Người ta định an táng Người tại tu viện của dòng Phan Sinh. Lẽ đương nhiên là thế, nhưng dân địa phương vây xung quanh bệnh viện, nơi Người qua đời, lại muốn an táng Người trên đất của họ. Suốt ba ngày họ cầm khí giới canh xác chẳng cho mang đi. Điều đình mãi cũng không ổn. Đến sáng ngày thứ tư thì họ nhượng bộ. Ngày 17 tháng 6, tức bốn ngày sau ngày Người tạ thế, lễ an táng được cử hành long trọng, xưa nay ít có đám nào sánh kịp. Có đủ mặt các đấng vị vọng đạo đời, ngoài dân thành Pađua còn vô vàn người từ xa tuốn đến nữa.

Khi còn sống, thầy Antôn làm nhiều phép lạ, sau khi chết, càng làm nhiều phép lạ hơn. Đang khi đưa đám người, có nhiều bệnh nhân được khỏi tức thì. Và người ta càng thêm lòng tôn kính và khóc lóc thương tiếc người hơn nữa.

HẠNH PHÚC, VINH QUANG

Lễ phong thánh

Cha Antôn qua đời chưa đầy năm thì Giáo Hội đã phong thánh cho Người. Xưa nay chưa từng thấy đấng nào chóng được phong thánh như vậy. Là vì thiên hạ coi Người là thánh sống, qua các nhân đức và phép lạ của Người. Vậy ngày lễ Chúa Thánh Thần (tháng 5) năm 1232, Đức Giáo Hoàng Grégoa X đã làm lễ tuyên thánh cho Người tại thành Spoleta, nước Ý, mới 11 tháng sau ngày Người tạ thế. Đúng vào ngày giờ đó, các chuông nhà thờ thành Lisbon thấy tự nhiên vang lừng. Ai nấy đều đổ về nhà thờ xem mà chẳng biết lý do. Đến sau này mới biết là để mừng thánh Antôn vậy.

Đền thánh Antôn tại Pađua

Dân thành Pađua vốn kính mến và cậy trông cha Antôn, vì thế cùng tôn Người là thánh bảo trợ và quyết định xây cất một nhà thờ lớn đẹp để kính Người. Họ đi khắp nơi để tìm thầy tài, thợ giỏi, sắm đá quý, gỗ tốt, không tiếc của tiếc công. Đức Giáo Hoàng thấy vậy cũng kêu gọi sự tiếp tay của thế giới Công Giáo. Tính ra, một ngàn tay thợ giỏi phải làm việc suốt 32 năm mới hoàn thành. Công trình thật tráng lệ, nguy nga, đáng xếp vào hàng những nhà thờ danh tiếng nhất thời bấy giờ.

Năm 1263, trong dịp lễ thánh nhân, người ta đưa hài cốt thánh Antôn từ tu viện đến nhà thờ mới, dưới sự điều khiển của thánh Bônaventura, cũng thuộc dòng Phan Sinh. Khi khai quật lên thì thấy da thịt đã tiêu hết, nhưng lưỡi còn y nguyên. Thánh Bôvaventura hôn kính lưỡi trọng ấy, rồi nói: "Bởi lưỡi thánh này đã ngợi khen Thiên Chúa và khuyên dụ nhiều người ngợi khen Thiên Chúa, nên Ngài đã gìn giữ lưỡi này còn nguyên vẹn cho đến bây giờ:" Rồi truyền đặt lưỡi ấy vào một bình bạc để kính riêng. Từ đó, khách hành hương từ khắp nơi đến viếng đền thờ và mộ thánh để cầu nguyện và xin ơn. Trên mộ Người có hàng trăm đèn nến thắp sáng đêm ngày. Và thánh nhân hằng ban ơn giáng phúc, chẳng những về thể xác mà nhất là về linh hồn. Chính thánh Bônaventura đã chứng kiến và ca ngợi rằng: "Ai muốn nhờ phép lạ thì chạy đến cùng thánh Antôn. Người cứu chữa lúc gian nan, giúp đỡ khi túng cực. Hãy hỏi dân thành Pađua, hãy hỏi khách hành hương, họ sẽ nói lên sự thật ấy."

Đền thành Lisbon, nước Bồ Đào Nha

Thành Lisbon là kinh thành nước Bồ Đào Nha và là sinh quán thánh Antôn. Do có lòng kính mến người lắm, nên người ta đã cất nhà thờ to đẹp trên nền nhà, tại đó người đã sinh ra. Năm đó có động đất dữ dội. Nhà cửa thành Lisbon đổ xuống chết nhiều người, đông thời hỏa hoạn lan tràn, đốt cháy thiệt hại lắm. Đền thánh Antôn cũng đổ, cũng cháy nhưng có điều lạ là tượng thánh nhân và bàn thờ người còn nguyên.

Lại khi động đất, có một thanh niên đến quỳ trước tòa ông thánh, bị bức tường đá đổ xuống đè lấp anh. Ai cũng tưởng là anh đã chết . Ai dè tám ngày sau, khi thu dọn vôi vữa, thì thấy anh ta ngồi dưới tường đổ bình an vô sự. Anh ta kể rằng:" Chính ông thánh Antôn đã cứu chữa và đưa lương thực mỗi ngày cho tôi".

Chẳng riêng gì thủ đô mà cả nước Bồ Đào Nha đều nhiệt liệt sùng kính ông thánh đồng hương, nên hằng được Người ra tay cứu chữa.

Đền thành Tua, nước Pháp

Dân thành Tua ngoan đạo, mạnh tin và vẫn có lòng sùng kính thánh Antôn, là bổn mạng của thành, từ sau khi được xương đầu thánh nhân. Số là năm 1348, có đức Hồng Y, khâm sai Tòa thánh, đi qua thành này thì ngã bệnh nguy cấp lắm. Sau khi cầu xin thánh bảo trợ thành này thi được khỏi. Về sau, nhân dịp ngài đến thành Padua chứng kiến lễ cải táng thánh Antôn, thì xin được xương đầu của Người mà gửi tặng cho thành Tua để đền ơn đáp nghĩa. Dân thành tiếp nhận được của trọng thì mừng hơn được vàng.

Từ đó, dân thành càng kính mến cậy trông thánh nhân hơn nữa. Việc lớn, việc nhỏ, phần xác, phần hồn họ đều chạy nhờ thánh. Vì thế, người thương yêu, săn sóc dân thành chẳng thua kém gì dân thành Pađua. Trời hạn hán, kêu cầu thì được mưa. Đồng lụt lội, kêu cầu thì được tạnh. Làng bên gặp dịch tả chết rất nhiều, mà dân thành Tua cầu khấn thánh Antôn thì bình an vô sự. Biết bao kẻ bệnh hoạn được khỏi, ngưòi túng cực được giúp đỡ, kẻ mất của lại tìm thấy. Xem thế đủ biết thiên hạ sùng kính thánh Antôn và được người giúp đỡ chừng nào

Truyện Thánh Antôn (Phần II)


SỰ SÙNG KÍNH THÁNH ANTÔN

Sự sùng kính thánh gồm hai tâm tình: một là TÔN TRỌNG sự cao sang của các Ngài, hai là CẬY TRÔNG sự chuyển cầu của các ngài nơi Thiên Chúa, để được ơn phúc phần hồn. Vì thế, không lạ gì thánh Antôn được sùng kính từ buổi ban đầu. Và vì Người không ngừng làm phép lạ, nên sự sùng kính không ngùng khuếch trương. Đạo Chúa truyền đến đâu thì thánh Antôn cũng theo đó. Ngay tại Việt Nam, các nhà truyền giáo đầu tiên đã giới thiệu với cha ông chúng ta và đã đươc ơn Người phù trợ.

Sau đây, xin trình bày một số ơn lành mà sự sùng kính Người đã đem đến.

Tòa Khấn tại nhà bà Louis

Năm 1890 , tại thành Toulon, nước Pháp, có một tín nữ ngoan đạo, vốn sống độc thân, tên là Louis, làm nghề bán hàng tâm. Sáng ngày 12 tháng 3, bà khóa cửa đi lễ. Khi về mở không ra, gọi thợ đến nhà cũng không mở được. Đang khi thọ về lấy đồ nghề để cạy khóa, thì bà chủ bỗng nhớ đến thánh Antôn, mà khấn rằng:" Lạy ông thánh, xin thương giúp con mở được khóa, thì con hứa sẽ làm phúc cho người nghèo". Khi thấy người thợ trở lại, bà bảo rằng:" Anh hãy khoan bẻ khóa. Tôi vừa kêu khấn Thánh Antôn. Anh hãy lấy chìa mở thử lần nữa xem có được chăng". Người thợ làm theo thì khóa liền mở ra ngay. Hàng xóm tụ lại xem đông lắm. Ai nấy đều bỡ ngỡ và ngợi khen quyền thế cùng òng lành của thánh nhân

Tin ấy đồn ra khắp thành. Ban đầu có năm ba bà quen thuộc đến nhà bà Luois cầu khấn. Có người được ơn là chồng sửa đổi tính nết, trước nóng nảy sau trở nên hiền hậu, nên bà sắm tượng thánh Antôn đem tặng bà Louis. Bà liền lập đền thờ ông thánh tại gia, có trưng hoa, thắp đèn nhật dạ.Từ đó, người cầu khấn hằng ngày và được ơn cũng nhiều. Mới đầu còn thưa thớt, nhưng từ khi đó trở đi, từ sáng đến tối, khách hành hương tấp nập kéo đến, trong đó có cả tu sĩ, linh mục và hàng giám mục. Thỉnh thoảng có kẻ tò mò đến quan sát xem thực hư thế nào nhưng cũng không thấy có gì giả dối.

Nhiều nơi cũng theo gương bà Luois mà lập thánh Antôn trong nhà thờ hoặc tu viện. Vì thế, sự tôn sùng thánh Antôn lan ra rất mau, rất rộng, nhất là trong nước Pháp và nước Bỉ.

Về ơn phần hồn

Chương sau đây dành để kể lại một số ơn đã được, do lời thánh Antôn chuyển cầu. Hoặc có ai hỏi người ta thường xin cùng thánh Antôn những ơn nào? Thì xin thưa: Hết mọi ơn, chẳng kể lớn hay nhỏ, phần xác hay phần hồn. Nhưng trên thực tế, họ xin ơn phần xác nhiều hơn. Là vì đời sống con người luôn gặp khó khăn thiếu thốn, cũng là vì tâm lý loài người ưa thích lợi lộc, vật chất đời này hơn phúc thiêng đời sau.

Về phần hồn, người ta xin cho mình hay cho người khác ơn lánh xa tội lỗi, ơn chừa cải nết xấu, tính hư như cờ bạc, rược chè, hút xách, rối vợ rối chồng; ơn nhận biết và theo đuổi ơn thiên triệu làm tôi Chúa, sau cung là ơn chết lành.

Một cô viết cho bà Louis coi bàn thờ thánh Antôn rằng:" Cha tôi khô đạo, cứng lòng, ai khuyên cũng chẳng động. Tôi liền kêu khấn thánh Antôn, thì nay đã xưng tội và rước lễ ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm rồi. Xin hết lòng tạ ơn ông thánh".

Một bà viết cho bà Louis rằng:" Tôi chỉ có một đứa con trai hư thân mất nết, chẳng đọc kinh xem lễ bao giờ. Nay nó đã xưng tội rước lễ là nhờ công nghiệp của thánh Antôn, mà tôi đã kêu van".

Một người đàn ông viết cho bà Louis:" Tôi có một anh bạn chí thân bệnh rất nặng. Anh ta vốn khó khăn, bỏ bê việc đạo đã lâu. Nay thấy bệnh ngặt , khó lòng qua khỏi, chúng tôi khuyên anh hãy nên lo việc linh hồn mình. Nhung anh bỏ ngoài tai. Thấy vậy, chúng tôi đọc kinh thánh Antôn, thì anh ta động lòng, xin xưng tội, rước lễ và đã qua đời tốt lành".

Một thư khác viết:" Mẹ tôi bệnh nặng bất tỉnh đã hai ngày chẳng xưng tội được. Tôi đã kêu van thánh Antôn, thì mẹ tôi đã tỉnh lại một hồi, cũng được chịu cắc phép đạo sốt sắng, rồi mới chết lành".

Ơn được gọi làm tôi Chúa là ơn rất trọng. Nhưng trên đường thực hiện ơn ấy cũng chẳng có ít khó khăn. Thánh Antôn ra tay giúp đỡ trong lĩnh vực này.

Thiếu nữ kia ước ao vào tu viện, nhưng vì nhà giàu, con một nên cha mẹ không ưng, dầu cô nài xin tha thiết. Chẳng biết làm thế nào nữa, cô chạy đến kêu cầu thánh Antôn va khấn làm phúc cho kẻ nghèo. Mới được mấy ngày thì cha mẹ đổi ý, chẳng những sẳn sàng đưa con đến nhà thánh Toulon để tạ ơn thánh nhân , cùng nộp một số tiền mà con mình đã khấn hứa.

Một linh mục kia muốn vào một dòng nhặt nhiệm, song lại hay đau yếu bệnh tật, không còn trông giữ luật dòng được, nên bề trên không nhận. Thầy chạy đến kêu khấn thánh Antôn, hết tuần cửu nhật thì thấy mình khỏi bệnh và được nhận vào dòng. Trước khi nhập tu viện, thầy không quên dến tạ ơn thánh nhân tại nhà bà Louis.

Ơn khỏi bệnh

Từ đây trở đi, xin kể lại một số ơn phần xác mà thánh Antôn đã cầu giúp cho người ta. Trong các ơn phần xác ấy, có lẽ ơn khỏi bệnh tật là nhiều hơn cả. Bệnh là nạn chung của loài người. Ai cũng có bệnh, chẳng nhiều thì ít. Có người mang nhiều thú bệnh một lúc. Bệnh là cái khổ day dứt khó chịu, ai ai cũng cầu mong chóng khỏi. Trong khi đi tìm thầy chạy thuốc, nhiều người lấy lòng tin mà cầu khấn thánh Antôn chữa mình và đã khỏi các bệnh tật. Sau đây là một số điển hình.

Một người viết cho bà Louis rằng:" Vợ tôi bị bệnh nặng, các y sĩ đã chê. May khi ấy tôi xem truyện thánh Antôn, thấy người hay cứu chữa bệnh nạn. Tôi liền kêu khấn ngưòi và đưọc Người ban ơn. Ban đầu, vợ tôi thấy bớt, sau dần dần khỏi hẳn. Tôi hết lòng đội ơn thánh nhân".

Bà bề trên dòng nữ kia viết cho bà Louis nhu sau:" Tôi mắc bệnh đau mắt, dã dùng đủ các thứ thuốc mà chẳng đỡ, lại mỗi ngày mỗi nhòa, đến nỗi tưởng mình sẽ mù. Khi ấy, tôi kêu khấn thánh Antôn thì nay đã khỏi."

Một bức thư gửi về tòa thánh Antôn tại Paris ghi nhu sau:" Tôi phải chứng thổ huyết nặng lắm. Các thầy thuốc đã chê. Tôi thấy chẳng còn trông cậy gì về phía loài người, thì tôi ngửa mặt lên trời kêu khấn thánh Antôn. Lạ thay, Bệnh tôi nặng là thế, mà thánh nhân đã chửa tôi dễ nhu không. Đã bốn năm tháng nay tôi khỏi hẳn, chẳng ho hắng gì nữa. Xin hết lòng đội ơn thánh Antôn".

Một tích khác:" Tôi mắc phải chứng nhức đầu đã ba, bốn năm. Một tuàn lễ, tôi phải khổ một ngày một đêm, nhu búa bổ vào đầu. Tôi đã dùng đủ thứ thuốc mà chẳng hề bớt. Nhung nghe kể về nhũng phép lạ thánh Antôn đã làm, chữa bệnh tật người ta, tôi đem lòng trông cậy và kêu van Ngưòi, Người cũng thương tôi nữa. Qủa nhiên, tôi đã được nhận lời và từ nửa năm nay, tôi không thấy nhức đầu nữa".

Một tích nữa kể rằng:" Con tôi có chứng đau bụng. Mỗi tháng nó đau một hai lần. Mà mỗi lần đau khốn nạn như đứt ruột ra vậy. Tôi làm tuần chín ngày khấn thánh Antôn thì nay con tôi đã khỏi. Tôi xin hết lòng cảm tạ".

Tích kẻ sống lại

Năm 1214, thánh Antôn đang rao giảng thì người ta đem một thanh niên mới chết vào nhà thờ. Bà mẹ cùng các anh chị em khóc lóc thảm lắm. Thánh nhân cũng động lòng thương, Người tạm ngừng giảng, đến bên xác chết, nói lớn:" Nhân danh Chúa Giêsu, ta truyền cho ngươi trỗi dậy". Tức thì chàng ta sống lại và đứng lên. Ai nấy đều ngẩn người, sợ hãi va ngợi khen Thiên Chúa. Y như tích chàng trai thành Naim vậy.

Ngày kia, thánh Antôn cùng các thầy khác đang vất vả để chuyển vật liệu xây nhà dòng, thì gặp một ông lão và đứa con đánh xe đi qua. Người muốn mượn xe chở mấy chuyến, nhung lão nói dối là xe đang chở người chết, không hoãn được. Thánh Antôn làm thinh không nói gì. Lão già trong bụng mừng lắm, vì đã đánh lừa được ông thánh. Nhưng qua đó lão đánh thức đứa con trên xe, thì than ôi, con đã chết thật rồi!". Lão liền chạy đến thánh nhân, xin người thương xót. Người đưa tay làm dấu thánh giá thì con lão liề sống lại.

Ơn được của cải đã mất

Theo quan niệm bình dân, nét đặc trưng của thánh Antôn là " làm cho kẻ mất của lại tìm thấy". Sự tin tưởng ấy bắt nguồn từ tích sau đây:

Khi thánh Antôn ở một tu viện kia thì có một tập sinh toan hồi tục, ban đêm lấy trộm một cuốn sách có chép các bài giảng của Người mà trốn đi. Sáng Người thấy mất sách, Người tiếc lắm, liền quỳ gối cầu xin Chúa cho lấy lại được. Và Chúa đã nhận lời Người. Số là anh tập sinh đi đến giữa cây cầu qua con sông nước chảy xiết, thì có một hình người to lớn hiện ra bảo rằng:" Mày phải trở lại tu viện trả sách cho thầy Antôn ngay, bằng không tao sẽ giết và bỏ xác mày xuống sông này". Anh ta sợ hãi nhưng còn do dự, thì hình kia trở nên to lớn và ghớm ghiếc gấp đôi, nên anh ta càng sợ, vội vã trở lại tu viện, thú tội với thầy Antôn, và hoàn trả cuốn sách lại cho Người, sau khi đã trình bày tự sự diễn ra.

Từ xưa đến nay, nhiều người mất của cải, đồ vật kêu cầu Người thì được thấy. Sau đây là mấy tích điển hình:

Sáng Chúa Nhật cả nhà ông Gioan khóa cửa đi lễ. Khi về đến nhà thì hỡi ôi, thấy cửa đã bể tan, đồ đạc, tiền bạc đã mất hết! Suốt ngày ấy, ông ta chạy khắp nơi, săn tìm tung tích kẻ trộm, nhưng vô ích. Dêm ấy, ông tiếc của và buồn bã, không ngủ được. Đến chừng nữa đêm, ông sực nhớ và kêu khấn Người. Sáng hôm sau, ông đến gặp quan tuần thành có ý báo cáo sự việc. Không ngờ, nghe xong quan nói:" Nữa đêm về sáng nay, cảnh vệ đã bắt được một tên ăn trộm vác một bao, mở ra thấy nhiều đồ quý giá. Ông thử đến xem sao". Ông Gioan nhận đúng là đồ của mình. Sau khi cám ơn quan tuần, ông mừng rỡ đem về. Trên đường về nhà, ông đã nhớ ra, kẻ trộm bị bắt, theo nhu lời quan nói, vào đúng giờ ông kêu cầu thánh Antôn.

Tích khác: Bà kia mất một số tiền lớn bằng bạc giấy, tìm mãi không ra. Sau đó hai tháng, bà kêu khấn thánh Antôn một tuần chín ngày, có xưng tội rước lễ. Ngày thứ chín, đi lễ về gần tới nhà thì thấy một cái bao nằm ở bên đường. Bà trông qua rồi cứ đi, nhưng nghĩ ngợi thế nào, bà trở lại, nhặt lên, mở ra xem thi rõ ràng là tiền của mình, chỉ thiếu có hai trăm. Ngày hôm sau có một người bạn thân đến thú tội, xin lỗi và hứa sẽ trả số tiền còn thiếu là hai trăm cho bà.

Tích nữa:" Tôi mất môt số bạc lớn, tám tháng tìm không ra. Nghe lời bạn bè mách bảo, tôi đi cầu thánh Antôn, thì kẻ trộm đã kín đáo ném gởi bạc qua cửa sổ trả lại cho tôi. Tôi tin là thánh nhân giục lòng nó".

"Có người nợ tôi một số tiền bảy tám trăm, đòi mãi không trả, vì không có giấy tờ gì. Tôi tưởng là mất luôn. Nay tôi kêu hấn thánh Antôn thì Người đã mở lòng cho anh ta thanh toán sòng phẳng, lấy được của mà không mất lòng. Tôi xin đội ơn ông thánh".

Tích lạc con:" Tôi có đúa con lên tám. Hằng ngày nó vẫn đi chơi với trẻ con lối xóm. Trưa hôm ấy, không thấy nó về ăn cơm như thường ngày. Tôi lo lắng buồn bã, cho hai người đi tìm khăp xa gần hai tháng mà vô hiệu. Tôi sực nhớ thánh Antôn và cầu khẩn người. Chưa hết một tuàn lễ, bỗng thấy nó về và nói rằng có người bắt nó để làm con nuôi, nhưng nó trốn được. Tôi tin thật thánh Antôn đã đưa nó về, nên tôi nhớ ơn Người mãi mãi".

Khoảng năm 1980, đền thánh Antôn ở Chí Hòa mất một bộ lư hương đồng. Mấy ông chức việc kêu khấn thánh Antôn, rồi đi lùng khắp vùng, liền thấy bày bán ở chợ đồ đồng và chỉ phải chuộc lại bằng một số tiền nhỏ.

Những ơn cứu giúp khác

Ngoài ơn chữa khỏi bệnh, ơn tìm thấy của nói trên, thánh Antôn còn rộng tay cứu giúp mọi trường hợp, như học hành, thi cử, công ăn việc làm, tai qua nạn khỏi, túng thiếu ngặt nghèo. Sau đây là mấy điển tích về các ơn ấy:

Có nhiều học trò nhờ ông thánh Antôn mà học hành tiến tới đỗ các ký thi, đã viết thư các ơn gửi về toà thánh tại Paris. Một gia đình tạ ơn như sau:" Vợ chồng tôi đã cầu xin thánh Antôn giáo dục trong công việc làm ăn, thì tháng vừa rồi, thấy phát đạt hơn nhiều. Chúng tôi không biết làm thế nào mà tạ ơn ông thánh. Vậy xin gửi đến một bó hoa tươi".

Tích khác:" Những năm trưóc, nhà tôi làm ăn thất bát, người trong nhà lại đau ốm luôn. Song từ khi tôi trông cậy chạy đến thánh Antôn, thì làm ăn thuận lợi và mọi người được khỏe mạnh".

Tích khác:" Miền chúng tôi dịch trâu bò hại lắm. Có nhà chết một con, có nhà chết hai ba con. Thế mà nhờ ơn thánh Antôn, nhà tôi không mất con nào cả".

Tích khác:" Tôi là giáo viên nghèo sống bằng nghề dạy học tại tư gia. Đầu năm nay, tôi không tìm được chỗ dạy, nên túng thiếu lắm, tôi đã đến kêu khấn thánh Antôn, thì đến đầu tháng ba, có nhà đến kêu tôi dạy cho họ".

Tích khác:" Tôi ở nhà thuê. Hết hạn không tiền để trả. Chủ nhà dọa đuổi. Tôi đi vay đâu cũng không ra. Sau cùng, tôi kêu khấn thánh Antôn mới được hai ngày thì có người cho vay mà không lấy lãi".

Tích nữa:" Ở thành Toulon, có một người mở cửa hàng bán cơm. Mới đầu thì đông khách lắm, nhưng về sau vắng dần. Gia đình lâm cảnh thiếu ăn. Bỗng một hôm bà ta đến tòa thánh Antôn tại nhà bà Louis mà cầu khấn. Cầu nguyện rồi, bà ra về, nữa đường, gặp con đi tới đón và bảo: Mẹ về gấp, nhà đầy khách rồi". Từ bấy giờ, quán bà đông khách. Thỉnh thoảng có khi khách thưa, bà lại kêu thánh nhân, thì khách lại kéo đến.

Về cách sùng bái thánh Antôn

Trước hết phải năng đọc truyện thánh Antôn, suy gẫm về tính hạnh của Người, hầu nhận thức được sự thanh cao, lòng nhân hậu của Người, để thêm lòng kính mến, cậy trông mà cầu xin, kêu van Người cho sốt sắng.

Khi làm Tuần cửu nhật, nhất là dịp lễ kính người, càng nên đọc hạnh người hơn nữa. Tập nhỏ này biên soạn nhằm mục đích ấy. Về việc làm thì ngoài việc đọc kinh thánh Antôn, còn thêm làm việc phúc đức bố thí của cải cho người nghèo khó nữa.

Hằng ngày, nhất là khi cần thiết, ta có thể đọc các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, rồi thêm câu: Lạy thánh Antôn xin cầu cho chúng tôi. Hằng tuần, người ta quen dùng ngày thứ ba để kính Nguời, cũng như ngày thứ tư kính thánh Giuse vậy. Ngày đó ta có thể làm thêm việc lành như tham dự thánh lễ, làm việc bác aí, tông đồ. Hằng năm, hãy mừng lễ thánh Antôn (13/6) cho thật trọng thể. Nhớ làm tuần cửu nhật trước lễ. Đối với những ai có lòng sùng kính Người đặc biệt thì có thể coi tháng sau là tháng thánh Antôn.

Về thứ tự các kinh trong tuần ba, tuần bảy, tuần chín, có thể đọc lần như sau:

1- Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh (3 hoặc 7 lần)
2- Kinh thánh Antôn

Mẫu 1

Lạy ơn thánh Antôn, Xưa đã chê bỏ thế gian cùng với sự thuộc về nó, cho nên được nhận cùng cả nhiều tích, nhiều của thiêng liêng, lời nói việc làm ở trên trời. Chúng con xin ông thánh Antôn cầu cho chúng con. Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa. Chúng con nài xin Đức Chúa Trời làm cho Hội Thánh được vui mừng trong ngày lễ ông thánh Antôn, thì chúng con xin Đức Chúa Trời ban sức mạnh thiêng liêng , cho chúng con được lòng kính mến thờ phượng Đức Chúa Trời cho sốt sắng:cho chúng con đáng hưởng phúc vô cùng đời sau. Vì Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Mẫu 2

Lạy ơn thánh Antôn là thánh cả, là cha rất nhân lành, đã được phép riêng Đức Chúa Trời ban cho, để giúp người ta tìm thấy của cải đã mất. Xin thương giúp chúng con thấy của cải đang tìm bây giờ. Còn lại xin Người bầu cử cho con được tin cho vững, được theo thánh ý Đức Chúa Trời cho trọn, được thật lòng chê bỏ những sự vui hèn thế gian, mà một mến những sự trên trời. Amen.

Mấy kinh cầu tuy nghi sử dụng:

-Ông thánh Antôn cứu chữa kẻ có tội. Cầu cho chúng con.
-Ông thánh Antôn an ủi kẻ âu lo. Cầu cho chúng con.
-Ông thánh Antôn hay chữa kẻ liệt lào. Cầu cho chúng con.
-Ông thánh Antôn cho kẻ mù được sáng. Cầu cho chúng con
-Ông thánh Antôn cho kẻ què được đi. Cầu cho chúng con.
-Ông thánh Antôn cho kẻ chết sóng lại. Cầu cho chúng con.
-Ông thánh Antôn cho kẻ mất của tìm thấy. Cầu cho chúng con.


KINH CẦU ÔNG THÁNH ANTÔN, #4.

Kinh cầu này bởi sách Sự Ký Dòng Ông Thánh Phanxicô mà ra. Kinh này linh ứng thần hiệu lắm. Trong sách Sử Ký ấy nói rằng: Khi lấy lòng sốt sắng mà đọc kinh này thì kẻ có tội được ăn năn trở lại, kẻ lành được vững vàng đi đàng nhân đức cho đền cùng hết. Kẻ âu lo được an ủi, kẻ ốm đau được lạnh đã. Thiên hạ mọi người được khỏi ôn địch, than khí mất mùa, đoi khát, khỏi loạn lạc giặc giã cùng khỏi phong ba bão táp.

-Xin Chúa thương xót chúng con,
-Xin Chúa thương xót chúng con.

-Xin Chúa Kitô thương xót chúng con,
-Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

-Xin Chúa thương xót chúng con,
-Xin Chúa thương xót chúng con.

-Chúa Giêsu Kitô: Nghe chúng con.
-Chúa Giêsu Kitô: Nghe chúng con.

Đức Chúa Cha ở trên trời.
-Thương xót chúng con.

Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế.
-Thương xót chúng con.

Đức Chúa Thánh Thần,
-Thương xót chúng con.

Ba Ngôi cùng một Đức Chúa Trời. 
-Thương xót chúng con.

Rất Thánh Đức Ba Maria chẳng mắc tội tổ tông truyền.
-Cầu cho chúng con.

-Ông Thánh An Tôn- (Cầu cho chúng con.) Câu nào cũng đáp như thế.
-Ông Thánh An Tôn làm nổi danh Dòng ông thánh Phanxicô.
-Ông Thánh An Tôn là hòm bia Chúa Trời đã truyền
-Ông Thánh An Tôn là đền thờ Đấng Khôn ngoan vô cùng ngự.

-Ông Thánh An Tôn chê bỏ những sự vui giả thế gian.
-Ông Thánh An Tôn chống trả tính xác thịt cho trọn.
-Ông Thánh An Tôn chuộng sự hãm mình đền tội.
-Ông Thánh An Tôn là gương nhân đức chịu lụy.

-Ông Thánh An Tôn là gương nhân đức sạnh sẽ.
-Ông Thánh An Tôn là gương nhân đức khiêm nhường.
-Ông Thánh An Tôn ước ao chịu chết vì đạo.
-Ông Thánh An Tôn yêu mến thánh giá Đức Chúa Giêsu hết lòng..

-Ông Thánh An Tôn ước ao chịu chết vì đạo.
-Ông Thánh An Tôn kinh mến Đức Chúa Giêsu hết sức..
-Ông Thánh An Tôn ẵm bế Đức Chúa Giêsu.
-Ông Thánh An Tôn mến chuộng sự công chính.

-Ông Thánh An Tôn sốt sắng giảng đạo Đức Chúa Trời.
-Ông Thánh An Tôn là đèn sáng soi cho kẻ có tội.
-Ông Thánh An Tôn là búa sắc phá tan bè rối.
-Ông Thánh An Tôn là gương mẫu kẻ muốn nên trọn lành.

-Ông Thánh An Tôn yên ủi kẻ âu lo.
-Ông Thánh An Tôn chống trả kẻ nghịch dữ.
-Ông Thánh An Tôn bênh vực kẻ hiền lành.
-Ông Thánh An Tôn cứu chuộc kẻ làm tôi.

-Ông Thánh An Tôn phù hộ kẻ đi đàng.
-Ông Thánh An Tôn hay chữa kẻ liệt lào.
-Ông Thánh An Tôn hay làm phép lạ.
-Ông Thánh An Tôn cho kẻ câm được nói.

-Ông Thánh An Tôn cho kẻ mù được sáng.
-Ông Thánh An Tôn cho kẻ qùe được đi.
-Ông Thánh An Tôn trừ quỷ ra khỏi người ta.
-Ông Thánh An Tôn cho kẻ chết sống lại.

-Ông Thánh An Tôn tìm thấy của người ta đã mất,
-Ông Thánh An Tôn cầm nhịp cơn giận kẻ kiêu ngạo kẻo phải chước ma quỷ cám dỗ.

Thưa: Ông Thánh An Tôn chữa chúng con.

Kẻo phải sấm sét bão bùng.
Kẻo phải ôn dịch giặc giã cùng mọi sự dữ,

Trong suốt đời chúng con.
Thưa: Ông Thánh An Tôn cầu bầu cho chúng con.

Trong suốt đời chúng con.
Thưa: Ông Thánh An Tôn binh vực chúng con.

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Thưa: Tha tội chúng con.

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Thưa: Nghe chúng con.

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
Thưa: Thương xót chúng con.

Ông Thánh An Tôn, cầu cho chúng con
đáng được ơn thương xót.

Lạy ơn Đức Chúa Trời, xin Chúa ban cho con cái Thánh ý Hội thánh được vui mừng trong ngày lễ ông thánh An Tôn là tôi tớ Chúa tôi, để cho chúng tôi được ăn mày nhiều ơn phần hồn ở đời này và hưởng phúc thanh nhàn vui vẻ vô cùng trên Thiên Đàng đời sau. Chúng con xin bấy nhiêu sự vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu là Chúa chúng con. Amen.

Lạy ơn ông Thánh An Tôn là thánh cả xưa còn ở thế gian hay làm phép lạ cứu muôn vàn người khỏi hoạn nạn phần hồn, phần xác, mà rầy ở trên trời, càng được quyền thế, càng khấng thương làm phúc cứu mọi kẻ gian nan khốn khó, chúng con bần cùng, khốn cực mọi đàng, xin người ghé mặt lại thương xem chúng con, mọi khi túng ngặt chay đến cùng người. Lại xin bầu cử cho chúng con được học đòi bắt chước người mà tin cậy cho vừng vàng, kính mến cho sốt sắng, giữ đạo cho trọn, và đến giờ chết đem linh hồn chúng con lên Thiên Đàng ngợi khen, hát mừng Đức Chúa Trời và Đức Mẹ làm một cùng người đời đời chẳng cùng. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét