Trong một lần trả lời về việc dấn thân của người tu sĩ trong giáo hội, Đức Giáo hoàng Phan Xi Cô nói rằng “Nếu Chúa gọi anh chị em trên con đường này thì xin anh chị em lên đường, hãy làm chính trị dù con đường này có thể làm anh chị em đau khổ”.
Giáo hội Công giáo Việt Nam đã đem giáo huấn của Đức Giáo Hoàng vào đời sống như thế nào và liệu câu hỏi người tu sĩ không nên làm chính trị có còn đứng vững hay không? Mặc Lâm phỏng vấn linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.
Mặc Lâm: Thưa Linh mục, xin ông cho biết giáo huấn của Đức Giáo Hoàng về việc dấn thân trong đời sống chính trị có được áp dụng vào mục vụ của giáo hội Công giáo Việt Nam hay không và các tu sĩ thực hiện giáo huấn này cụ thể như thế nào?
LM Lê Ngọc Thanh: Về mặt giáo huấn chung của Giáo hội tôi xin được nói cái giáo huấn gần nhất của giáo hội đó là thông điệp “Niềm vui tin mừng” của Đức Giáo hoàng Phan xi cô vừa ban hành cách đây hơn một năm. Trong chương IV ngài nói rất rõ những việc phải dấn thân trong xã hội. Ngài chỉ ra hàng loại những vấn đề rất cụ thể và ngài bảo rằng tôi muốn một giáo hội lem luốc trên đường phố với người nghèo hơn là ẩn mình trong sự an toàn giả tạo. Và ngài bảo rằng cần phải cơ cấu lại, không phải bài giảng đâu, mà cần thiết thì phải cơ cấu lại giáo xứ để làm sao đáp ứng được nhu cầu đó và ngài nhấn mạnh rằng việc phục vụ cộng đồng, xã hội trong tư cách là một chính trị gia của giáo dân nó là một việc bác ái cao cả hơn cả bởi vì nếu việc bác ái bình thường chỉ giúp được một hai người, còn một vị chính trị gia làm việc nghiêm túc, công minh thì sẽ giúp cả một cộng đồng xã hội hàng ngày cứu giúp giáo dân.
Mặc Lâm: Có phải vì thế mà nhiều bài giảng thuộc DCCT gần đây đã không ngại nêu bật những khiếm khuyết của xã hội lẫn chính quyền và trong một chừng mực nào đó đã gây cảm hứng mới cho giáo dân. Xin linh mục cho biết những bài giảng như thế có được sự đồng thuận từ giáo hội hay không?
LM Lê Ngọc Thanh: Trước tiên thì tôi phải khẳng định rằng là bài giảng nơi tòa giảng trong nhà thờ luôn xuất phát từ lời Chúa chứ không phải tùy ý do sở thích của một linh mục hay của một nhóm một cộng đoàn riêng lẻ nào đó. Cái đó không thuộc phạm vi tự quyết của cá nhân một linh mục hay của một cộng đoàn như Dòng Chúa cứu thế mà đây là sứ điệp của Chúa trong hội thánh được công bố hàng tuần. Chúng tôi công bố lời Chúa vì chính lời Chúa xuất phát từ trong một cộng đồng xã hội cụ thể và quay lại áp dụng cho một cộng đồng cụ thể với những vấn đề mà chúng ta không thể im lặng, với những vấn đề chúng ta không thể cho qua.
Những vấn đề mà anh em DCCT thật ra không nằm ngoài lề giáo hội mà triển khai những vấn đề của giáo hội mà có thể nhiều cha xứ khác, ở nhiều nơi khác, vì lý do mục vụ cụ thể hoặc là vì sự đơn độc khi ở một mình có thể dễ dàng bị tấn công, bị trả thù nên các ngài khôn khéo hơn, cẩn thận hơn trong cách nói công khai trên tòa giảng. Nhưng có thể nói một điều chắc chắn như thế này là ở lúc gặp gỡ và chia sẻ với giáo dân tất cả các linh mục đều nói rõ về bản chất dấn thân cho xã hội của Giáo hội Công giáo mà không ngoại trừ DCCT.
Mặc Lâm: Phản ứng của giáo dân đối với giáo huấn mới của Đức Thánh Cha có tích cực lắm hay không trong bối cảnh o ép hiện nay tại Việt Nam và sau những bài giảng sống động trong nhà thờ giáo dân có phản ứng như thế nào?
LM Lê Ngọc Thanh: Tôi lấy kinh nghiệm ở Thái Hà ở Hà Nội và Đền Đức mẹ hằng cứu giúp ở Sài Gòn để chúng ta thấy.
Ban đầu thì giáo dân hơi sợ hãi nhưng sau khi nghe giảng xong thì giáo dân nói với chúng tôi rằng chúng con chỉ sợ rằng là đang thánh lễ hay sau thánh lễ họ sẽ vô bắt các cha. Ban đầu là như vậy nhưng dần dần họ thấy và nói với chúng tôi rằng đây là điều mà họ chỉ nghe được ở đây. Họ là những người thuộc nhiều giáo xứ khác cứ canh giờ lễ đó mà đến để được hiệp thông, cầu nguyện để được nghe giáo huấn.
Tôi thấy rằng ít nhất là vào buổi lễ Công Lý Hòa bình vào 8 giờ tối Chúa nhật cuối tháng, một thánh lễ quy tụ trên 3.000 người ở tại Sài Gòn và Hà Nội cũng vậy. Có đến 80% người tham dự là những người biết rõ và họ chủ động tìm đến để được giáo huấn theo cách như vậy chứ không phải chỉ đi lễ như một giáo dân bình thường vào ngày Chúa Nhật.
Mặc Lâm: Xin linh mục cho biết những hoạt động dấn thân, những bài giảng thiết thực với đời sống rõ ràng là đụng đến vấn đề mà nhà nước cho là nhạy cảm. Chính quyền đã có những hành động nào để ngăn chặn hay cản trở hay không?
LM Lê Ngọc Thanh: Trước đây khi chúng tôi bắt đầu những chia sẻ như vậy với giáo dân thì họ dùng những tờ truyền đơn dán vào các cột điện, gốc cây trong khu vực nhà thờ. Họ rải trong sân nhà thờ, họ rải trong khu xóm, trong quán ăn để nói xấu và lên án các cha. Họ không dừng lại ở việc lên án về nội dung bài giảng, họ bắt đầu vu khống kể cả việc dựng đứng lên họ nói đó là đời sống vô đạo đức của các cha như vậy.
Riêng đối với nhà cầm quyền thì có một lần họ đã chất vấn về tính hợp pháp của website chúng tôi, còn về tòa giảng thì họ chỉ nói với cá nhân linh mục này, với cá nhân cha kia để gây sự chia rẻ trong nội bộ của anh em chúng tôi và cũng có dùng nhóm giáo dân này nhóm giáo dân kia chống lại nhau. Nhưng có thể nói rằng là những tác động giảm dần và đến bây giờ không còn tác động gì nữa cả.
Mặc Lâm: Xin cám ơn linh mục Lê Ngọc Thanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét