Hôm qua tiễn gia đình một người bạn về lại Hoa Kỳ, nhìn đống đồ ngồn ngộn của gia đình bạn trên những chiếc xe đẩy mà tôi ngán ngẩm, cô vợ thì yếu đuối nên anh chồng loay hoay mồ hôi nhễ nhãi. Đứng ngoài khá lâu chờ gia đình bạn làm thủ tục gởi hành lý và lấy chỗ trên máy bay, tôi nghĩ rằng có trục trặc gì trong khi làm thủ tục. Quả thật, khi trở ra, anh chồng không ngớt lời cằn nhằn về cách làm việc của Hải Quan Việt Nam. Câu chuyện trở nên bình thường trên môi miệng của những người đi ngang qua cửa xuất cảnh, vẫn là chuyện làm tiền vặt đáng buồn.
Không cần tinh ý lắm rất dễ dàng nhận ra anh bạn tôi là người khó tính. Trong bữa cơm ngày hôm trước chúng tôi dùng với nhau gọi là chia tay, anh em có nhiều giờ để nói chuyện này chuyện nọ, anh bạn huyên thuyên về những điều anh nhận thấy khác lạ, anh lập đi lập lại câu: “Cái này bên Mỹ không có”, một cách nói, một cách nhận định không hài lòng. Rời Việt Nam đã khá lâu nên anh lộ ra sự ngô nghê lắm khi khá buồn cười. Anh kể anh đi ra sạp báo và tìm một vài tờ báo mà bên Hoa Kỳ thỉnh thoảng anh có vào xem những trang web của báo đó, hỏi người bán báo không có, anh tỏ vẻ ngạc nhiên, anh ngây thơ đến độ không biết rằng chỉ những tờ báo của Nhà Nước Việt Nam mới được xuất hiện trên các sạp báo mà thôi, nghe giải thích anh lại nói: “Cái này ở bên Mỹ không có”!
Chê nhiều lắm, gần như không có lời khen, nhưng chính đống đồ ngồn ngộn kềnh càng anh đã gom góp, chất đầy trên những chiếc xe đẩy khiến anh bị cánh Hải Quan vòi vĩnh làm khó dễ, cho thấy rằng có nhiều món hay hấp dẫn lắm, chứ chẳng phải chỉ toàn là những chuyện dở không đâu! Khi tôi nhận xét điều này thì anh cười bảo: “Ừ, rẻ quá chừng, mình sẽ có dịp về nữa để tìm mua thêm. Mấy cái này ở bên Mỹ không có!”
Đó là những sinh hoạt xã hội mà chúng tôi nói chuyện với nhau, nể bạn tôi không phản ứng nhiều, thỉnh thoảng khi có dịp “kê tủ đứng”, tôi chêm vài câu “sửa lưng” bạn cho vui, và chúng tôi vui thật vì toàn những chuyện giúp cảm thông nhau thêm. Tuy nhiên, có những điều anh nói về Giáo Hội, về cách sống đạo cụ thể của những người thân mà anh chứng kiến, thì để lại trong tôi nhiều nhức nhối.
Anh kể lại rằng, lâu quá không về Việt Nam, hơn nữa, nể chị, anh phải tham dự rất nhiều những bữa cơm bên gia đình nhà ngoại, anh em bên ngoại ngày nào cũng lập đi lập lại một diễn tiến: nhậu, rượu bia, đánh bài, say xỉn và cãi lộn. Ngày mai lại lập lại diễn tiến đó. Anh không uống rượu nên rất khó chịu và bất mãn với cách sinh hoạt như vậy, anh cho rằng họ không có tương lai và cũng không có cả hiện tại, vì họ sống mà không biết sống để làm gì.
Tôi biết mấy anh em bên ngoại nhà anh, trước năm 75 họ không phải là một gia đình thành đạt, trí thức, nhưng cũng không phải là một gia đình loại xoàng, họ có công ăn việc làm ổn định, họ có những sinh hoạt lành mạnh, thậm chí đạo đức, có vị trí trong cộng đồng, họ có hướng đi lên cho cuộc đời của mỗi thành viên, dẫu rằng khi đó chiến tranh gây ra những trở ngại rất nhiều cho tuổi trẻ.
Nhưng sau năm 75, cả đại gia đình họ trôi tuột, mất định hướng, kết quả là bắt đầu chìm ngập trong những chầu nhậu nhẹt và cãi vã lẫn nhau. Họ vẫn cố giữ cái tâm, sự sống lương thiện bình thường nhưng mất hướng, ngoài chuyện làm ăn, cơm áo gạo tiền, họ không còn gì để sinh hoạt, không có gì để cố gắng vươn lên, họ loay hoay trong tuyệt vọng, nhàm chán. Kéo nhau đi Vũng Tàu chẳng làm chuyện gì khác ngoài chuyện mang theo đồ nhậu để nhậu, chỉ có cái khác là nhậu ở Vũng Tàu nó sướng hơn nhậu ở Sàigòn thế thôi. Anh bạn tôi lắc đầu phê phán…
Giáo Hội chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc “Tái Phúc Âm hóa”, nhưng Tái Phúc Âm hóa thế nào được khi chính các gia đình Kitô hữu sống không định hướng, theo đạo một cách chân thành nhưng chỉ là thói quen, không tìm được sức sống và sự năng động niềm tin trong mọi sinh hoạt. Qua một người bạn từ xa về, tôi vừa kể sơ lược về một nhóm có sáu gia đình Công Giáo, họ không đại diện cho cả trên dưới bẩy triệu tín đồ Công Giáo ở Việt Nam, nhưng họ là “một bộ phận không nhỏ” trong mọi sinh hoạt xã hội. Họ có Đạo, vẫn giữ Đạo, nhưng nếu Đạo chính là Đường, thì họ lạc mất Đường rồi hay sao ấy!
Mà đâu chỉ là chuyện trăn trở với riêng đời sống Đạo của Giáo Dân! Năm “Năm Thánh đời Thánh Hiến”, Đức Thánh Cha muốn nêu bật sự tuyệt mỹ của đời thánh hiến và mong muốn đời thánh hiến thức tỉnh xã hội con người. Đây là thách thức thật sự to lớn với đông đảo Tu sĩ Việt Nam hôm nay.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 25.1.2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét