CỘNG ĐOÀN ĐỨC MẸ FATIMA chân thành kính chúc Qúy Độc Giả Một Năm Mới An Khang - Thịnh Vượng - Vạn Sự Như Ý

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

NHẬN ĐỊNH VỀ SỞ NỘI VỤ TỈNH KON TUM QUA VĂN BẢN SỐ 82/BTG-NV

VRNs (04.12.2014) – Sài Gòn – Bài phỏng vấn của VRNs trong chương trình Cà Phê Tối với Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại, DCCT, Trưởng Văn phòng Công lý-Hoà bình DCCT Sài Gòn về việc Sở Nội vụ Kontum không đồng ý Toà Giám mục Kontum tổ chức mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Măng Đen.


PV: Thưa Cha, như VRNs đã thông tin, vừa qua, Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum đã cấm Tòa Giám mục Kon Tum tổ chức mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội tại tượng đài Đức Mẹ Măng Đen, huyện Kon Plong, vào 2 ngày 9 và 10/12/2014. Khu vực Tượng đài Đức Mẹ Măng Đen, hay Trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen thuộc Giáo phận Kon Tum có nguồn gốc như thế nào, thưa Cha?
Linh mục Đinh Hữu Thoại: Trước hết, HT và quí vị có thể theo dõi, tìm hiểu rất nhiều bài viết về Đức Mẹ Măng Đen, cả trên những trang web của chính nhà nước này. Chỉ cần gõ “Đuc Me Mang Đen”, chúng ta có kết quả 212.000 (0,36 giây). Có thể tóm tắt: Măng Đen nằm cạnh quốc lộ 24, cách Kontum khoảng 50 cây số về phía Đông Bắc, thuộc xã Đăk Long, huyện Kon Plông, là vùng đồi núi có phong cảnh thiên nhiên tươi tốt và khí hậu ôn hòa như Đà Lạt. Nhà nước đã quy hoạch làm khu du lịch sinh thái và hàng trăm nhà đầu tư được bán đất giá rẻ với điều kiện phải xây lên những căn biệt thự khang trang. Nhiều căn đã được xây xong nhưng vẫn không lôi cuốn du khách nên khu vực này còn đìu hiu vắng vẻ, cho đến khi bức tượng Mẹ xuất hiện với nhiều ơn lạ.

Nguồn gốc được biết, trước năm 1971 có một tiền đồn nhỏ của quân đội VNCH trú đóng (chỗ hiện nay là Đài Đức Mẹ) giữa nơi đồn trú cô quạnh và hiểm nguy này, linh mục tuyên úy công giáo Giuse Nguyễn Minh Kông đã cố gắng mang bức tượng Mẹ đến để xin phù hộ và an ủi đức tin, sưởi ấm tâm hồn những người lính tiền đồn khi quây quần cầu nguyện bên Mẹ. Bức tượng được tạc theo tượng Đức Mẹ Fatima do linh mục Tôma Lê Thành Ánh tặng. Bức tượng này được linh mục Kông mang lên tiền đồn Măng Đen bằng trực thăng(ngày nay vẫn còn dấu tích một sân bay dã chiến rất rõ, cách vị trí tượng khoảng 2 km).

Theo tư liệu của Tòa Giám Mục, một tượng đài thô sơ, vững chắc, không mái che, đã được xây dựng trên một triền núi tại Măng Đen vào mùa Vọng năm 1971. Đứng trên tượng đài là một pho tượng Đức Mẹ Fatima có tràng hạt giăng trên hai bàn tay. Vào dịp lễ Thánh Gia Thất sau Noel năm ấy Đức Cha Paul Seitz Kim, Giám Mục Kontum, đã tới cử hành thánh lễ tại đây. Năm 1974 chiến sự đã biến vùng đồi núi này thành chốn hoang tàn, rất ít thấy bóng người lai vãng. Pho tượng vẫn đứng cô đơn trên tượng đài giữa cánh rừng hoang vắng. Cũng sau năm 1973 tiền đồn này đã triệt thoái và khu vực lọt vào tay quân cộng sản Bắc Việt, sau đó, không ai biết số phận bức tượng và những người lính ấy ra sao.

Sau biến cố 30/4/1975, việc tìm thấy Tượng Mẹ, được chính trang mạng của “cơ quan đảng bộ đảng cs Việt Nam tỉnh Quảng Ninh” viết: “… chuyện về bức tượng Đức Mẹ mà những người lái máy ủi ở đây đã tìm được khi san gạt đất mở đường. Người ta kể rằng, khi bắt đầu thi công, các xe ủi đất đột nhiên bị tắt máy ở một khu vực. Và một người trong số các tài xế lái máy ủi nhớ lại là đêm trước anh nằm mơ thấy một người phụ nữ hiện ra trong giấc mơ, nói rằng không được ủi, mà phải đào khu vực này lên; kết quả, họ tìm thấy một bức tượng phụ nữ bị mất đầu và mất 2 cánh tay. Người ta nhận ra đây là tượng Đức Mẹ Maria… Dư luận còn đồn rằng Đức Mẹ rất thiêng, ai lên đây “xin”, Đức Mẹ sẽ “cho thuốc” để chữa lành bệnh v.v. và v.v. …

Chuyện là như vậy! Và khi chúng tôi đến, khu vực này đã trở thành “điểm hành hương” của rất nhiều người, không chỉ là những người theo đạo Thiên chúa giáo. Bức tượng Đức Mẹ được dựng lên trên khu đồi cao, ngay cạnh nơi những người lái máy ủi đào được bức tượng. Phần đầu và tay của bức tượng được đắp lại nên nhìn kỹ vẫn thấy không giống lắm. Tuy nhiên, trong khung cảnh rừng núi mênh mông, đẹp một cách thâm u, xung quanh là rất nhiều hoa và những dãy ghế đá, với những tấm biển “Tạ ơn Đức Mẹ” được những con chiên ngoan đạo mang đến, bức tượng hiện lên với đầy vẻ linh thiêng, huyền bí…”.

PV: Thưa Cha, ngày 5/2/2013, Thủ tướng chính phủ có Quyết định số 298/QĐ-TT về PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG DU LỊCH SINH THÁI MĂNG ĐEN VÀ QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ KON PLÔNG, HUYỆN KON PLÔNG, TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2030, và ngày 11/11/2013, Thủ tướng chính phủ lại có Quyết định số 2162/QĐ-TTg phê duyệt “Qui hoạch tổng thể phát triển Du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định Măng Đen là khu du lịch quốc gia, thuộc Dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2020. Theo các Quyết định phê duyệt: Khu du lịch trung tâm Măng Đen được qui hoạch đến 14.682,7 ha, trong đó diện tích xây dựng khoảng 3.000 ha (ba ngàn ha). Quyết định phê duyệt này nhắc nhiều đến Đức Mẹ, Đức Bà… như: xác định khu vực Tượng Mẹ là “khu du lịch tâm linh tượng Đức Mẹ”; “Trục không gian thương mại, dịch vụ và tín ngưỡng nằm ở phía Đông Bắc của đô thị tại khu vực có tượng Đức Mẹ”; “Cửa ngõ phía Bắc là giao cắt giữa quốc lộ 24 và đường tránh tại khu vực phía Nam tượng Đức Bà”. Thế thưa Cha, hiện tại thì tình hình qui hoạch, xây dựng tại Khu vực Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Măng Đen đã được triển khai như nào ạ?

Linh mục Đinh Hữu Thoại: Mọi người đều biết rõ, “hạn chế quyền tự do Tôn giáo, hạn chế các hoạt động Tôn giáo” là chủ trương xuyên suốt của những người cộng sản vô thần. Khu vực Tượng Mẹ Măng Đen cũng không ngoại lệ. Theo tìm hiểu của chúng tôi việc xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen gặp rất nhiều cản trở từ phía nhà cầm quyền. Trước hết về đất đai khu vực Tượng Mẹ, ban đầu nhà cầm quyền hứa giao 20 ha và nhấn mạnh TGM Kon Tum phải làm biểu tượng tôn giáo tại đây sao cho từ xa vẫn có thể trông thấy. TGM đã nhanh chóng gửi dự án và chờ cấp đất. Nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì họ lại rút xuống còn 10 ha, rồi còn 7,5 ha và lần mới đây nhất chỉ còn 3,8 ha! Với “mật độ xây dựng tối đa: 15%;” trong khi khu vực chung quanh được xây dựng với mật độ lên đến …80%. Thử hỏi, chung quanh tượng Mẹ, họ xây dựng mật độ dầy đặc 80% là “khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, karaoke…” bên cạnh Tượng Mẹ chỉ… 15% thì còn gì là “Khu vực tâm linh”? Nhưng điều quan trọng là họ thay đổi ý kiến, quyết định “Mục tiêu của qui hoạch xây dựng chỉ là: Tôn tạo bức tượng Đức Mẹ Măng Đen thành một không gian mở phục vụ du lịch, tham quan; không xây dựng địa điểm này thành nơi thờ tự, trung tâm hành hương, đào tạo chức sắc;…” … Trả lời cho quyết định ngang ngược này của nhà cầm quyền, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh đã gửi tới Ông chủ tịch tỉnh Kon Tum câu hỏi : “…không thừa nhận đây là thờ tự, nơi hành hương Tôn Giáo, thì còn gì để nói, để bàn với những người có Tôn Giáo như chúng tôi !?” Mọi người đều biết Tòa Giám mục chỉ chuyên hoạt động Tôn giáo, làm sao có chức năng để có thể nhận giao đất kinh doanh “phục vụ du lịch, tham quan”? Vì những cản trở như thế mà đến nay, Tòa Giám Mục Kon Tum vẫn chưa thể triển khai xây dựng Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Măng Đen.

PV: Thưa Cha, như Cha nói “hạn chế quyền tự do Tôn giáo, hạn chế hoạt động Tôn giáo” là chủ trương xuyên suốt của nhà cầm quyền cs VN, và chúng con cảm nhận rất rõ điều này thông qua mỗi lần Tòa Giám mục Kon Tum tổ chức Lễ tại khu vực Tượng Đức Mẹ Măng Đen, như là việc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum thường để đến sát ngày mới trả lời “chấp thuận” khiến cho công việc tổ chức gặp khó khăn; hay lạm quyền “không cho đặt tên cuộc Lễ là “Hành hương…” , không cho “để hòm công đức…”. Và gần đây nhất, như chúng con nêu lên ở phần đầu “Sở Nội vụ tỉnh Kontum đã ký văn bản số 82/BTG-NV không đồng ý Toà Giám mục Kontum tổ chức mừng lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội tại tượng đài Đức Mẹ Măng Đen, huyện Kon Plong, vào 2 ngày 9 và 10/12/2014”, thưa Cha, về góc độ pháp lý, Cha có nhận định như thế nào đối với văn bản “không đồng ý” này ạ?

Linh mục Đinh Hữu Thoại: Trước hết, việc Sở Nội vụ Tỉnh Kontum “Không thống nhất tổ chức các hoạt động ‘Mừng lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội’, bế mạc năm ‘Tân Phúc âm hóa Gia đình 2014’, khai mạc năm ‘Tân Phúc âm hóa giáo xứ 2015’ của Giáo phận Kon Tum tại khu vực Bức tượng Đức mẹ như đề nghị của Tòa Giám mục Kon Tum tại Văn thư số 192/VT/’14/Tgmkt ngày 05/11/2014” bởi 3 lý do, đều vừa không đúng pháp luật, vừa thể hiện rõ chủ trương “hạn chế quyền tự do Tôn Giáo”. Cụ thể:

+) Lý do thứ nhất, họ bảo “năm 2014, UBND tỉnh đã tạo điều kiện để Tòa Giám Mục tổ chức cuộc lễ “Mừng kính Đức Mẹ Sầu Bi” tại khu vực Tượng Mẹ” rồi! Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo hay Nghị định 92/2012/NĐ-CP hoàn toàn không có qui định nào nói “đã tạo điều kiện tổ chức cuộc Lễ rồi… thì thôi”. Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum căn cứ qui định pháp luật nào để cho quyền mình “không thống nhất tổ chức hoạt động “mừng Lễ Mẹ Vô nhiễm nguyên tội” tại Khu vực Tượng Mẹ Măng Đen với lý do thứ nhất này?

++) Lý do thứ hai họ nói “Các hoạt động ‘Mừng lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội’, bế mạc năm ‘Tân Phúc âm hóa Gia đình 2014’, khai mạc năm ‘Tân Phúc âm hóa giáo xứ 2015’ tổ chức tại các cơ sở thờ tự hợp pháp”. Ở đây cần nhấn mạnh 2 ý về mặt pháp lý để thấy lý do thứ hai “không thống nhất …” này vô lý đến thế nào. Nhưng, trước hết, phải xác định ngay, Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum đã tự quyền sáng chế ra cái gọi là “cơ sở thờ tự hợp pháp”, vì lẽ pháp luật chỉ qui định “cơ sở Tôn giáo”. Mà theo khoản 7 Điều 3 Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn Giáo: “Cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước công nhận”. Chính vì vậy, khoản 2 Điều 34 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP qui định: “Công trình tôn giáo là những công trình như: Trụ sở của tổ chức tôn giáo, chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, tượng đài, bia, tháp và những công trình tương tự của các tổ chức tôn giáo”. Như vậy, có thể thấy, theo qui định pháp luật, việc tổ chức các “hoạt động Tôn giáo” được diễn ra ở những “cơ sở Tôn giáo” bao gồm nơi thờ tự, tu hành, đào tạo…;,và những cơ sở khác…trong đó có cả “tượng đài”. Nói như Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum là “cơ sở thờ tự hợp pháp”, vừa là “tự bịa, tự sáng chế …” không có căn cứ pháp luật, tự cho mình quyền “hạn chế” trái pháp luật chỉ còn được tổ chức các cuộc Lễ ở “nơi thờ tự”….Điều khác là, nếu tổ chức các cuộc Lễ …tại “cơ sở thờ tự hợp pháp” thì cần gì phải “đăng ký”, cần gì “có sự chấp thuận của tỉnh”? Sở Nội vụ lấy việc “đương nhiên”, không cần phải đăng ký, chấp thuận làm lý do để “không chấp thuận” là cố tình quanh co, bịa đặt cho có “lý do”.

+++) Cuối cùng là “Hiện nay, Quốc lộ 24 (đoạn từ Kon Tum đi Quảng Ngãi) đang được sửa chữa, nâng cấp nên việc đi lại không thuận tiện, không đảm bảo an toàn giao thông”. Lý do này tương đối còn có thể hợp lý, nghe có vẻ “vì nhân dân” nhất. Nhưng vẫn chỉ là “ngụy biện”. Trách nhiệm của nhà cầm quyền- ăn lương của dân, sử dụng tiền của dân- thì có nghĩa vụ phải tạo “điều kiện đi lại thuận tiện, đảm bảo an toàn giao thông” cho dân, phải có kế hoạch, phân luồng, hạn chế phương tiện…áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông…chứ không thể lấy “nghĩa vụ phải làm của mình mà không làm, rồi đổ thừa lý do để “không chấp thuận”. Với tình trạng đường sá, nạn ăn hối lộ của CSGT để “làm giả giấy tờ”, cho phép những phương tiện tham gia giao thông không đủ điều kiện… thử hỏi có đoạn đường nào trên đất nước này mà “đi lại thuận tiện, đảm bảo an toàn giao thông’?

PV. VRNs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét