CỘNG ĐOÀN ĐỨC MẸ FATIMA chân thành kính chúc Qúy Độc Giả Một Năm Mới An Khang - Thịnh Vượng - Vạn Sự Như Ý

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

CÁC LOẠI “KIÊU TRONG CON NGƯỜI

Kiêu căng quả là điều tệ hại không thể có trong mỗi chúng ta. Hãy loại bỏ nó ra khỏi tâm hồn, nơi chỉ có niềm vui và tình thương yêu ngự trị. Muốn vậy ta phải biết lắng nghe, đón nhận, mọi hành vi lời nói và việc làm của chính mình. Nhờ đó, kiêu căng không thể len lỏi và triển nở trong mỗi chúng ta được.

1. KIÊU CĂNG

Để trả lời cho vấn đề, trước hết chúng ta cần nói qua khái niệm về hai chữ “kiêu căng”. Theo từ điển tiếng Việt, kiêu căng được hiểu như sau: “Kiêu căng là một cách lộ liễu, khiến người ta khó chịu”. Như vậy, nói đến sự kiêu căng nghĩa là nói đến một bản tính xấu, điều không đáng có và không thích hợp trong mỗi con người.

Người kiêu căng cũng đồng nghĩa là con người tự mang trong mình liều thuốc độc giết chết tâm hồn, sự kiêu căng không chỉ đẩy ta đến bờ vực thẳm của tội lỗi mà bên cạnh đó nó còn biến ta trở thành nguyên cớ cho sự bất đồng, sự khó chịu của anh chị em quanh ta. Chính vì vậy ta không thể trở nên nguyên cớ cho tội lỗi, cũng như gương xấu cho người khác. Để làm được điều đó, ta phải luôn biết khiêm nhường, đón nhận tất cả mọi sự từ người khác, để rồi chính chúng ta sẽ là những hoa trái của tình yêu thương, niềm vui và hạnh phúc. Có thế, ta mới thật sự loại bỏ được sự kiêu căng, thay vào đó là sự hiền lành. Kiêu căng không những không có lợi cho chính ta mà nó còn là cơ hội cho ngàn vạn tính mê, nết xấu đến và ngự trị nơi tâm hồn ta.

Có thể ví kiêu căng chính là mảnh đất phì nhiêu cho sự ích kỷ, tự mãn, khinh bỉ lớn lên. Ngược lại đối với tâm hồn thì kiêu căng làm cho khô cằn, thiếu vắng tình thương. Quốc vương Pháp Louis XI đã từng nói: “Khi kiêu căng và phách lối đi trước thì tủi nhục và tai nạn sát gót theo sau”. Thật vậy, kiêu căng không thể mang lại cho ta sự thành công hay bất cứ niềm vui nào trong cuộc đời, thay vào đó chỉ là sự tủi nhục. Bên cạnh đó, sự kiêu căng còn được ví như sau: “Kiêu căng ăn chung bàn với sự tự mãn, uống chung bàn với sự khinh bỉ” (B. Franklin). Kiêu căng không thể chấp nhận lòng bao dung, sự thương cảm của người khác dành cho mình, dần dần nó tự biến mình trở nên kẻ tự kiêu và “cái tôi”. Điều đó chỉ càng làm cho con người thêm phần đơn độc, lạc lõng hơn mà thôi. Nhà sử học người Hy Lạp Herodote nhận định: “Kiêu căng là tính cách đặc thù của kẻ ngu”. Như vậy, người kiêu căng càng chứng tỏ mình khôn ngoan hơn kẻ khác bao nhiêu thì càng cho thấy mình là kẻ ngu dốt hơn bấy nhiêu.

Kiêu căng quả là điều tệ hại không thể có trong mỗi chúng ta. Hãy loại bỏ nó ra khỏi tâm hồn, nơi chỉ có niềm vui và tình thương yêu ngự trị. Muốn vậy ta phải biết lắng nghe, đón nhận, mọi hành vi lời nói và việc làm của chính mình. Nhờ đó, kiêu căng không thể len lỏi và triển nở trong mỗi chúng ta được. Mỗi tâm hồn hãy là những bông hoa rực rỡ sắc màu của tình yêu thương, góp phần tạo nên một vườn hoa luôn biết sẵn sàng trao tặng.

2. KIÊU HÃNH

Mỗi con người đều có những giá trị riêng của chính mình, nhưng không ít những giá trị đó đã trở nên xấu xa, khi sự kiêu hãnh nơi con người lớn mạnh. Chính vì vậy, thật tệ hại nếu như sự kiêu hãnh đến và ngự trị trong chính chúng ta. Người kiêu hãnh sẽ chẳng bao giờ nhận thấy bất kỳ nhược điểm nào của chính mình, nhưng lại luôn khinh bỉ, xét đoán, chê bai kẻ khác. Khi sự kiêu hãnh đã lên ngôi, nó luôn đòi hỏi người khác phải làm theo ý mình, đòi buộc kẻ khác phải tôn trọng mình thay vì mình phải kính trọng họ.

Chuyện kể rằng vào một ngày nọ có sĩ tử kia lên kinh ứng thí, anh đã chuẩn bị cho mình đầy đủ hành trang. Nhưng thật không may thay, anh đã bỏ quên tấm bản đồ cho hành trình của mình. Anh thầm nhủ rằng ta là sĩ tử, lại là trạng nguyên tương lai thêm vào đó ta còn có cái chữ trong đầu, không lý nào đường đến kinh thành lại khó khăn với ta được. Đi xa hơn anh phải đối đầu với ba sự lựa trọn, trước ngã ba đường. Anh thầm thì; chà! Biết đi đường nào đây, giờ mà hỏi thăm đường đi thì mất mặt lắm, mình là người tri thức không lý nào lại đi hỏi đường những nông dân mù chữ kia được. Phân vân không biết đi đường nào anh chợt nảy ra ý định. À ta sẽ ngồi đây đợi may ra có sĩ tử nào lên kinh ứng thí ta sẽ đi theo họ, vừa có bạn lại được trò chuyện vui vẻ, vẹn cả đôi đường. Kết quả anh đã đợi suốt ba ngày mà không có sĩ tử nào đi qua, chỉ thấy toàn nông dân lao động, sự kiên nhẫn cũng có hạn, anh bước đại một con đường.

Qua những tháng ngày vất vả hành trình, tới kinh thành cũng đã chấm dứt, đang vui sướng vì tới được kinh đô, anh chợt thấy đám người rất đông đang xem thứ gì đó được dán trước cổng thành, với sự hiếu kỳ anh tiến sát bên và đọc với hàng chữ “Tân khoa Trạng nguyên” anh bất thần than rằng, giá mà tôi khiêm nhường hơn, biết lắng nghe người khác, đón nhận mình kém cỏi thì đã không ra nông nỗi này, bỏ lỡ khoa cử mất đường tiến thân rồi.

Thật vậy, một khi sự kiêu hãnh tồn tại trong ta cũng chính là lúc ta đánh mất sự khiêm nhường và không dễ gì đón nhận bất kỳ điều gì từ người khác, lại càng không thể lắng nghe cho dù điều đó có lợi cho ta. Vì vậy, nó chỉ càng khiến ta ngu dốt, đi đến với sự thất bại nhanh hơn mà thôi. Bao lâu sự kiêu hãnh còn thì bấy lâu ta sẽ phải hứng chịu những tổn thương, thất bại. Chính vì thế, mỗi chúng ta cần biết nhìn lại chính mình để rồi kiêu hãnh không còn chiếm chỗ thượng phong. Một khi ta càng lân la với sự kiêu hãnh, không quyết liệt bài trừ nó chỉ càng khiến ta ngày một kiêu hãnh hơn, dần dần nó sẽ biến ta trở nên những công cụ xấu xa, là nguyên cớ cho cái ác. Bởi thế, ta không thể để cho niềm kiêu hãnh tồn tại nơi tâm hồn ta bất cứ lúc nào được: “Khi sự kiêu hãnh dẫn đầu thì sự nhục nhã và thiệt hại sẽ theo sau” (Gabriel Merier).

3. KIÊU NGẠO

“Kiêu ngạo là sự bắt đầu của tất cả những lầm lỗi” (J. De Maistre).

Người khôn ngoan không thể có sự kiêu ngạo, khi ta kiêu ngạo cũng chính là lúc sự ngu si xâm nhập tâm hồn. Bởi lẽ, kiêu ngạo luôn mang đến sự thỏa mãn cho bản thân. Sự kiêu ngạo tự nâng tầm cho mình vượt xa mọi thứ để rồi coi khinh tất cả mọi điều.

Người sống trong sự kiêu ngạo chính là sống với sự tự mãn luôn gạt bỏ nhận định của người khác, chỉ coi trọng ý kiến của bản thân. Con người có giá trị thật sự khi ta biết hạ mình xuống trước những thành quả ta đạt được. Điều đó đem lại giá trị thật sự ta cần phải trân trọng, phát huy để tiến tới tầm vóc khôn ngoan. Bởi vậy, kiêu ngạo sẽ luôn là thứ axit ăn mòn giá trị cũng như phẩm chất cao quý trong ta. Thật tệ hại khi người ta kiêu ngạo, điều đó không chỉ đem đến bản thân những hậu quả tồi tệ.

Chính vì thế, kiêu ngạo quả là thứ tồi tệ nhất mà chúng ta phải loại trừ: “Tôi không có chút thương cảm nào đối với người kiêu ngạo vì tôi nghĩ là họ luôn mang trong mình sự mãn nguyện rồi” (Goerge Eliot). Hãy để cho mọi lời nói, hành động hay việc làm của chính chúng ta được sáng tỏ, nhờ đó ta sẽ mãi là những con người chứa chan tình yêu thương.

GIUSE TRẦN VĂN LỰC, MS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét