Ai nói rằng : “Mễ Du không được Giáo Hội công nhận”, kẻ ấy nói nghịch với Giáo Hội ! Vì Giáo Hội chưa hề nói “không công nhận” Mễ Du bao giờ. Vậy nếu họ nói Mễ Du “Không được công nhận”, chẳng phải là nói nghịch với Giáo Hội sao ?
Chỉ vì người ta lẫn lộn “chưa” với “không” công nhận.
Sự nhầm lẫn ấy là do không hiểu sự tinh tế của mấy câu tiếng LaTinh sau đây trong Giáo Luật, khi muốn đánh giá về một sự kiện nào đó (ở đây là sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Mễ Du) :
1) Constat de supernaturalitate
2) Constat de nonsupernaturalitate
3) Non constat de supernaturalitate
Giải nghĩa danh từ :
-“constat” là chữ chủ chốt, dịch là “nhận định”, “nhận thấy” hay “xác nhận”. Ngược lại “non constat” là ”không nhận thấy” hay “không xác nhận”.
-“super-naturalitate” là “tính cách siêu-nhiên”, tức là do từ trời, từ Thiên Chúa mà đến ; ngược lại “non-super-naturalitate” là “không có tính cách siêu- nhiên”, tức là không từ Thiên Chúa mà đến.
Ý nghĩa :
Một sự kiện nào đó (ví dụ việc Đức Mẹ hiện ra) có thể được xác nhận (hay được đánh giá) theo ba cấp bậc sau đây :
- 1) “Constat de supernaturalitate” = Xác nhận là có tính cách siêu nhiên. Vậy : đáng tin, tin được, được tin.
- 2) “Constat de non-supernaturalitate” = Xác nhận là không có tính cách siêu nhiên. Vậy : Không đáng tin, Không nên tin. Không được tin.
- 3) “Non constat de supernaturalitate” = Không xác nhận được tính cách siêu nhiên. Vậy : Chưa ngã ngũ, còn đang tiếp tục điều tra.
Câu Latinh “non constat” ở bậc 3) nói là không xác nhận, nhưng phải hiểu là “chưa xác nhận được” (not yet / pas encore), chứ không được hiểu lầm nó với “constat de non…” của bậc 2) “xác nhận là không có”. Đem so nó với hai bậc trên thì thấy rõ :
bậc 1) xác nhận là có ;
bậc 2) xác nhận là không có ;
vậy bậc 3) ở giữa : chưa xác nhận được là có, cũng như chưa xác nhận được là không có.
Thực tế, sự kiện Mễ Du từ trước đến nay (năm 2014) được Giáo Hội đánh giá như thế nào ?
Thưa : Được đánh giá theo bậc 3).
Chứng cứ : Lời tuyên bố ngày 10-04-1991 của Hội Đồng Giám Mục Nam Tư (cũ) :
“Trên cơ sở các cuộc điều tra nghiên cứu cho đến nay, không thể xác quyết rằng Mễ Du đang có những cuộc hiện ra và những mặc khải có tính cách siêu nhiên”.
(Xin dịch lại cho dễ hiểu : “Trên cơ sở các cuộc điều tra nghiên cứu cho đến nay (của Hội đồng Giám Mục Nam Tư), không thể xác nhận rằng những cuộc hiện ra và những mặc khải ở Mễ Du là có tính cách siêu nhiên” (non constat de supernaturalitate).
Tiến sĩ Mark Miravalle giải thích (trong trang thông tin “Mặc khải tư của Đức Mẹ”) : “Từ quan điểm thần học và tiền lệ Giáo Hội, từ ngữ “cho đến nay” là điều rất quan trọng, vì nó minh chứng cách rõ ràng là tuyên bố của Hội Đồng Giám mục Nam Tư về Mễ Du nằm trong bậc 3) “non constat de supernaturalitate”, chứ không phải (bậc 2) “constat de non-supernaturalitate”. Tắt một lời, tuyên bố của Hội Đồng Giám mục Nam tư làm sáng tỏ điều này : Mễ Du không phải là một cuộc hiện ra “bị cấm”, mà là một cuộc hiện ra được cho là xứng đáng được điều tra tiếp. Trở về với tiền lệ của Giáo Hội : Khi một cuộc hiện ra vẫn còn đang được tiếp tục điều tra, thông thường là lòng sùng kính cá nhân của giáo sĩ hay giáo dân, dù trong những buổi hội họp theo tư cách cá nhân hay công khai, vẫn được Giáo Hội cho phép, miễn là không được lấy danh nghĩa “chính thức” của giáo xứ hay giáo phận mà tổ chức hội họp hay tổ chức đi hành hương, vì như thế sẽ đưa người ta đến kết luận sai lầm là cuộc hiện ra ấy đã được thẩm quyền chính thống của Giáo Hội chính thức xác nhận”. (Trích đăng trong “Tinh thần Mễ Du Việt Nam”, số tháng 12-2013, trang 32).
Vấn nạn : Mới đây, có một lá thư của một Khâm sứ Tòa thánh gửi cho Hội Đồng Giám Mục Hoa kỳ “cấm” tham gia vào chuyện Mễ Du, vậy chuyện đó là thế nào ? và có thay đổi việc đánh giá nói trên của Giáo Hội không ?
Đáp : Đó là vấn đề chúng ta cùng cứu xét dưới đây.
***
Ít lâu nay, một lá thư của Đức Khâm sứ Tòa Thánh Carlo Maria Vigano gửi cho Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ ngày 23-10-2013 đã gây ra khá nhiều xôn xao, vì trong đó có đoạn này :
“Thánh bộ Giáo lý Đức tin đang trong tiến trình điều tra… hiện tượng Mễ Du…, Thánh bộ đã khẳng định rằng tất cả mọi người phải chấp nhận Bản Tuyên bố ngày 10-04-1991 của Hội Đồng Giám Mục Cộng Hòa Nam tư (cũ)”.
Và lá thư ấy trích dẫn lời của Bản Tuyên bố ấy : “Trên cơ sở các cuộc điều tra nghiên cứu cho đến nay, không thể xác nhận rằng Mễ Du đang có những cuộc hiện ra và những mặc khải có tính siêu nhiên”.
Sau đó lá thư đưa ra lời cấm : “Bởi thế, theo đó các giáo sĩ và giáo dân không được phép tham dự các buổi gặp gỡ, hội nghị hay các buổi lể lạt công khai trong đó tính chất đáng tin của các cuộc hiện ra ấy sẽ được người ta mặc nhiên công nhận”.
Những người chống đối Mễ Du đã sử dụng lá thư này để gây hoang mang lo sợ, vì làm cho người ta nghĩ rằng Giáo Hội có một hành động tiêu cực, cấm đoán hay kết án Mễ Du.
Nhưng thực chất là thế nào ?
Nếu đọc thoáng qua lá thư, thì lời lẽ trong thư có vẻ khắt khe. Nhưng nếu chúng ta chú ý vào phần sau của lời cấm, thì sẽ thấy rằng lời đó không thay đổi điều gì trong lập trường của Giáo Hội từ trước đến nay, tức là vẫn cho phép tín hữu tham gia sự kiện Mễ Du, chẳng hạn việc hành hương đến linh địa Mễ Du.
Nói được như thế là vì những lý lẽ sau đây :
Trước hết, chính lá thư của vị Khâm sứ đã dựa vào lời tuyên bố của các Giám mục Nam Tư cũ ngày 10-04-1991, để đưa ra lời cấm (trên đây). Vậy lời tuyên bố ấy đã nói điều gì ?
Theo lời giải thích rõ ràng trên kia của Tiến sĩ Mark Miravalle thì : Lời tuyên bố nói rằng cửa vẫn để ngỏ cho các cuộc điều tra tiếp tục. Và khi một cuộc hiện ra vẫn còn đang được tiếp tục điều tra, thì lòng sùng kính cá nhân của giáo sĩ hay giáo dân, dù trong những buổi hội họp theo tư cách cá nhân hay công khai, vẫn được Giáo Hội cho phép, miễn là không được lấy danh nghĩa “chính thức” của giáo xứ hay giáo phận mà tổ chức hội họp hay tổ chức đi hành hương,
-----------------------------
** Xin trích dẫn thêm vài chứng từ khác nữa :
+ Đức Hồng Y Kuharic, Vị đặc trách chính của các quyết nghị của Hội đồng Giám mục Nam Tư, đã xác nhận rằng, Hội đồng Giám Mục này đã quyết định : “Chúng tôi, những Giám mục, sau ba năm nghiên cứu do Uỷ Ban (điều tra) thực hiện, chúng tôi tuyên bố Mễ Du là nơi cầu nguyện và là Đền thánh của Thánh Mẫu Maria”. Thế nghĩa là chúng tôi không chống đối người ta đến hành hương tại Mễ Du để tôn kính Thánh Mẫu Thiên Chúa, trong đường lối phù hợp với giáo huấn và đức tin của Hội Thánh.”
+ Ông Tiến sĩ Navarro Valls, bấy giờ là phát ngôn viên của Toà Thánh tại Rôma, đã nói ngày 21-08-1996 với Thông tấn xã “News Service” : “Vatican chưa hề bao giờ bảo người Công giáo “Anh chị em không được đến Mễ Du”. Với các Giám mục, chỉ bảo : “Không được tổ chức cuộc hành hương cách chính thức” (nghĩa là lấy danh Giáo Hội mà tổ chức), nhưng không thể bảo người ta đừng đi, bao lâu chưa minh chứng được là các cuộc hiện ra đó là giả ; việc này đến nay chưa hề được công bố. Vậy ai cũng có thể đến đó được”.
+ Một tiếng nói cao cấp hơn : Trong cuốn sách “Thị nhân cuối cùng của Fatima”, xuất bản năm 2007, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, cựu Bí Thư của Thánh Bộ Giáo Lý Đức tin và cựu Quốc vụ khanh Toà Thánh, có viết : “… Theo lời tuyên bố của các Giám mục Nam Tư cũ ngày 10-04-1991, thì cửa vẫn để ngỏ cho các cuộc điều tra tiếp tục. Trong khi chờ đợi, vẫn cho phép tổ chức các cuộc hành hương tư nhân, và cho phép các linh mục đi theo lo việc mục vụ cho các tín hữu. Tất cả mọi người Công giáo đi hành hương có thể đến Mễ Du, nơi tôn kính Đức Mẹ…”
-----------------------------------
Vậy lời cấm trong lá thư của Đức Khâm sứ nói trên (không được phép tham dự các buổi gặp gỡ, hội nghị hay các buổi lể lạt công khai) ở phần sau có lời này : “trong đó tính chất đáng tin của các cuộc hiện ra ấy sẽ được người ta mặc nhiên công nhận”. Câu này nói lên lý do của lời cấm : vì sợ rằng trong đó tính chất đáng tin của các cuộc hiện ra ấy sẽ được người ta mặc nhiên công nhận. Như thế là đi trước phán quyết của Giáo Hội.
Thế có nghĩa là nếu trong những buổi hội họp đó, các tín hữu tuyên bố hay cho biết rằng những cuộc hiện ra đó của Đức Mẹ chưa được Giáo Hội chính thức công nhận thì không còn gì phải e sợ, và kết luận làđược phép tham dự.
Một phát biểu mới đây của linh mục Robert Faricy, Dòng Tên (SJ), một thần học gia và là Giáo sư danh dự của Giáo Hoàng học viện Kinh Thánh ở Rôma, còn hiến một kế cụ thể : “Lấy thí dụ: một Thánh Đường chủ sự tổ chức có thể cho biết rằng buổi (Đức Mẹ) hiện ra với thị nhân Ivan sẽ là 5 giờ 45 phút vào buổi chiều. Để tuân theo lá thư (cấm trên đây)…các bạn chỉ cần đơn giản thêm vào thiệp mời hay bản thông báo (câu này) : “Những cuộc hiện ra này chưa được Giáo Hội thính thức công nhận.” Thế là ổn. (Trích “Tinh thần Mễ Du Việt Nam”, số tháng 12, 2013, trang 26).
· Để giải tỏa những rắc rối trong chuyện này, chúng ta nên nhớ : Trong Giáo Hội có hai loại mặc khải : Mặc khải công khai, chính thức (gồm Thánh Kinh và Thánh truyền) và mặc khải tư (gồm các cuộc hiện ra và những sứ điệp được coi là từ trời ban cho người này hay thánh nọ, ví dụ những lời Chúa tỏ cho nữ thánh Faustina về Lòng Chúa thương xót). Mặc khải chính thức thì buộc phải tin. Còn mặc khải tư thì không buộc tin, và người ta có quyền tin hay không tin. Chẳng hạn những cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima, thuộc mặc khải tư, dù đã được Giáo Hội xác nhận là có tính cách siêu nhiên (constat de supernaturalitate), tôi vẫn có quyền tin hay không tin, đó là tự do của người con cái Chúa. Đã đành, nếu tin thì nhận được những ích lợi thiêng liêng của sự kiện ấy cho đời sống tâm linh của mình, còn không tin cũng chẳng phạm tội gì.
***
VẤN ĐỀ : Vì sao Giáo Hội chưa công nhận Mễ Du ?
Xin tạm giải đáp : Lý do quan trọng nhất, đó là Giáo Hội thận trọng và khôn ngoan, Giáo Hội đợi cho mọi việc hiện ra chấm dứt xong xuôi rồi, sự kiện không còn có thể thay đổi gì nữa, mới bắt đầu điều tra để công nhận hay phủ nhận. Nếu đang nửa chừng mà hấp tấp công nhận, nhỡ nửa sau của việc đó lại là trở nên xấu thì sao ? Chẳng phải hấp tấp công nhận như vậy là thiếu khôn ngoan hay sao ?
Tuy nhiên, trong sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du, dù theo các thị nhân cho biết Đức Mẹ chưa chấm dứt các lần hiện ra, nhưng khi thấy đã có biết bao nhiêu chứng cứ hiển nhiên nghiêm túc, về phương diện khoa học cũng như thần học, [1] khiến người ta phải tin việc Đức Nữ Vương Hòa bình hiện ra ở đó là thật, tức là có tính cách siêu nhiên, từ trời đến, thì tại sao Giáo Hội còn ngần ngại chưa công nhận ?
Theo ý kiến riêng của tôi, có lẽ một phần là vì Giáo Hội sợ mất thể diện, mất uy tín, vì ở Mễ Du, không giống như những cuộc hiện ra ở nơi khác chỉ nói những gì liên quan đến đời sống thiêng liêng, đạo đức thôi, ở Mễ Du đây Đức Mẹ còn ban thêm 10 bí mật, mà một số có liên quan đến vận mạng của toàn thể thế giới và sẽ được tiết lộ và thực hiện vào thời giờ đã định. Giáo Hội sợ rằng nếu ngay bây giờ khi sự việc còn chưa chấm dứt, Giáo Hội công nhận sự kiện Mễ Du là có tính cách siêu nhiên, mà những Bí mật là một thành phần quan trọng trong đó, nhỡ ra những bí mật báo trước ấy không xảy ra thì sao ?
-------------------------------
** Sau đây, xin trích đăng tóm tắt một đoạn liên quan đến các Bí mật ấy, lấy từ cơ quan thông tin Công giáo Catholic News, 13 Apr 2004:
“Bên cạnh các sứ điệp, Ðức Mẹ sẽ ban 10 bí mật cho mỗi người trong số sáu thị nhân. Nội dung của các bí mật này sẽ xảy ra trong một tương lai gần. Có một vài bí mật liên quan đến thế giới. Các bí mật còn lại liên quan đến các thị kiến nhân hay đến xứ đạo của họ. [….]
“(Khi được phép tiết lộ) thì 3 bí mật (đầu tiên) sẽ được coi như những cảnh báo cho thế giới. […] 10 ngày trước khi cảnh báo xảy ra, cô thị nhân Mirjana sẽ báo cho một linh mục được cô chọn(cha Petar Ljubicic). Vị linh mục này sẽ ăn chay cầu nguyện 10 ngày. Rồi, 3 ngày trước khi xảy ra sự cảnh báo, cha sẽ loan báo cho thế giới biết (Bí mật) cảnh báo ấy sẽ xảy ra như thế nào, xảy ra khi nào và ở đâu. Khi cảnh báo thứ nhất xảy ra rồi, thì các cảnh báo khác sẽ xảy ra theo trong một thời gian ngắn. Như vậy, người ta sẽ có thời giờ để trở lại. Sau 3 cảnh báo này, thì một Dấu lạ (hữu hình) sẽ xuất hiện vĩnh viễn trên đồi nơi Ðức Mẹ hiện ra lần đầu tiên. Những người sống sót sẽ chỉ còn thời chút thời gian nữa để trở lại. Vì lý do đó, Ðức Mẹ khẩn thiết kêu gọi loài người hãy cấp tốc trở lại và hòa giải. Nhiều người sẽ được ơn cứu chữa nhờ dấu lạ vĩnh viễn ấy và nhiều người sẽ trở lại, trước khi các bí mật khác trở nên hiện thực.
“Bí mật thứ 9 và thứ 10 thật là nghiêm trọng. Chúng được dùng để trừng phạt tội lỗi của thế giới. Hình phạt này không thể tránh được, vì không hy vọng mọi người sẽ trở lại. Tuy nhiên, hình phạt có thể được nhẹ đi nhờ lời cầu nguyện và sám hối. Ðược biết, hình phạt trong bí mật thứ bảy đã được cất đi (đúng hơn, đã được giảm nhẹ) vì lời cầu nguyện và ăn chay của nhiều người. Cho nên, Ðức Mẹ luôn khuyến khích mọi người cầu nguyện và ăn chay. Ðức Mẹ nói: "Các con đã quên rằng, với cầu nguyện và ăn chay, các con có thể ngăn cản được chiến tranh, thay đổi được luật tự nhiên."
-----------------------------
Trở lại vấn đề Giáo Hội chưa công nhận : Lập trường của Giáo Hội như vậy, là Giáo Hội chưa thật tinvào sự kiện Mễ Du, nên vẫn còn theo sự khôn ngoan thông thường nhân loại là chờ cho mọi sự chấm dứt. Chứ nếu Giáo Hội tin thật vì đã thấy các chứng cứ thần học cũng như khoa học nghiêm túc hiển nhiên cho biết hiện tượng Mễ Du là từ trời mà đến rồi, thì còn sợ gì nữa ? Thiên Chúa không lừa dối bao giờ. Và không có gì Thiên Chúa không thể làm được !
Giáo Hội có sẽ dám vượt lên trên sự khôn ngoan thông thường ấy, và mạnh dạn tuyên bố công nhận, như Giáo Hội đã mạnh dạn làm như thế hai lần trước đây khi dám tuyên bố cho toàn thể thế giới Công giáo hai chân lý đức tin này :
Đức Maria là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội !
và Đức Maria linh hồn và xác lên trời !
Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét